LÀM THẾ NÀO ĐỂ EM ĐI DU HỌC ĐỨC? LÀM THÊ NÀO ĐỂ XIN ZU? LÀM THỂ NÀO ĐỂ XIN APS?… Dạo này mình thấy vô vàn câu hỏi dạng như thế này trên group. Trước tiên là mình muốn nhắn gửi tới tất cả các bạn đã, đang và sẽ hỏi những câu như thế này, nếu các bạn đã có ý định đi du học thì ít nhất là cũng nên biết cách tìm kiếm thông tin trên Internet trước khi đặt những câu hỏi dạng như thế này. Sau nữa, nhân dịp đầu xuân năm mới, vào một ngày đẹp trời, mình viết note này để chia sẻ kinh nghiệm của bản thân mình khi chuẩn bị hồ sơ du học Đức.

1. Xác định điều kiện của bản thân
Mình sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn, xa văn minh đô thị nên trước đây, khi mình đậu được đại học mình đã nghĩ là mình đã làm được một điều rất là to tát rồi. Mình chỉ nghĩ đến việc ra trường xin một công việc rùi ổn định cuộc sống. Chính vì thế, dù thích nhưng du học đối với mình là một điều gì đó rất xa vời, những du học sinh trong mắt mình khi đó là những người rất xuất chúng ^ ^. Tuy nhiên, một vài biến cố trong cuộc sống khiến mình muốn rẽ sang một con đường khác. Và mình chọn du học. Khi bắt tay vào thực hiện nó mình mới phát hiện ra là con đường để đi du học thực ra không đến nỗi quá khó như mình đã lầm tưởng. Do điều kiện tài chính có hạn nên mình hướng tới những nước miễn phí hoặc có học phí thấp. Đức là một đích đến lý tưởng cho mình, khi chất lượng giáo dục thuộc top hàng đầu thế giới, không mất học phí và có nền kinh tế đứng thứ 4 thế giới, là trung tâm kinh tế, văn hóa của châu Âu.
VẬY ĐIỀU KIỆN ĐỂ CÓ THỂ DU HỌC ĐỨC LÀ GÌ? Có thể gói gọn các điều kiện như sau:
1.1 Điều kiện cần: 

  • Đã tốt nghiệp đại học ở Việt Nam với điểm GPA trung bình 7.5/10 (tương đương 2.5 hệ điểm Đức). Đối với một số trường có thể linh động GPA 3 điểm theo hệ Đức nhưng các môn thuộc ngành học đăng kí phải đạt tối thiểu 2.5 hệ Đức.
  • Chứng chỉ IELTS tối thiểu 6.5, không kĩ năng nào dưới 6.0. Một số trường có thể yêu cầu cao hơn hoặc thấp hơn nửa điểm (7.0 hoặc 6.0) các bạn cần phải tham khảo các thông tin điều kiện của trường trước khi nộp hồ sơ. Cụ thể cách tìm kiếm và tổng hợp thông tin này, mình sẽ nói rõ hơn trong phần (3), tìm trường và ngành học.
  • Chứng chỉ APS: tất cả sinh viên Việt Nam tốt nghiệp các trường đại học tại Việt Nam nếu muốn học Master tại Đức phải trải qua bước này. Cụ thể mình sẽ trình bày ở phần (2) phỏng vấn APS.
  • Chứng chỉ GMAT: một số ít trường sẽ có yêu cầu GMAT tối thiểu 550đ. Nhưng đa phần là không yêu cầu, cụ thể các bạn xem ở website daad.de hoặc website của từng trường.

2.2 Điều kiện đủ: 

  • Zulassung (Admission Letter): tức là có trường bên Đức chấp nhận cho bạn được học khóa học của họ.
  • Tài chính: Hầu hết các trường công lập tại Đức được miễn học phí nên các bạn khi đi học chỉ phải chi trả tiền sinh hoạt phí, khoảng 8k euro/năm. Do các bạn học Master thường là 2 năm nên tổng chi phí các bạn cần là khoảng 16k euro, tương đương khoảng 380 triệu VNĐ với tỉ giá hiện tại. Chi tiết cách thức nộp tiền mình sẽ hướng dẫn trong phần (4) nhận Zulassung, nộp tiền và làm visa.
  • Visa: bạn phải được cấp phép để nhập cảnh và cư trú ở Đức trong thời gian học.

Vậy là tạm xong bước điều kiện. Tiếp theo mình sẽ trình bày đến bước APS.

2. Phỏng vấn APS cho sinh viên đã tốt nghiệp đại học tại Việt Nam
Chi tiết hướng dẫn APS của đại sứ quán: http://www.hanoi.diplo.de/contentblob/3553478/Daten/2429477/APS_Standardverfahren_weiterfhrende_Studium.pdf.

Thủ tục thẩm tra APS gồm có 2 bước
2. 1: thẩm tra các giấy tờ mà sinh viên nộp
Các giấy tờ cần nộp gồm:
a. – 1 đơn điền đầy đủ kèm ảnh hộ chiếu tải từ trang web của đại sứ quán Đức. Ảnh hộ chiếu là ảnh khổ 4cm x 6 cm nền trắng.
– Đơn điền bằng chữ in hoa , tiếng Đức hoặc tiếng Anh
– Link down : http://www.hanoi.diplo.de/Vertretung/hanoi/vi/06/APS__Allgemein.html
b. 1 bản công chứng CMTND
c. 1 phong bì A4, bên ngoài ghi họ tên, địa chỉ, sđt người nhân chứng chỉ APS (mua phong bì A4 trắng ở các hiệu sách trắng, các bạn gấp đôi 1 phòng bì đã ghi đầy đủ thông tin và bỏ vào túi hồ sơ cùng các giấy tờ khác)
d. 1 bản dịch  và 2 bản sao chứng thực bằng tốt nghiệp THPT
e. 2 bản foto công chứng bằng tốt nghiệp đại học (nếu bằng là song ngữ Anh Việt thì chỉ cần foto công chứng / Nếu bằng hoàn toàn là tiếng Việt thì dịch chứng thực +2 bản photo công chứng)
f. 3 bản dịch chứng thực + 2 bản sao công chứng bảng điểm tốt nghiệp đại học
g. 1 bản sao chứng thực chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh/ Đức/ hoặc 1 bản ghi rõ thời gian tự học ngoại ngữ đối với các bạn chưa có chứng chỉ tiếng. Như vậy để phỏng vấn APS các bạn không nhất thiết phải có chứng chỉ ngoại ngữ. Các bạn có thể lựa chọn ngôn ngữ phỏng vấn là tiếng Anh, tiếng Đức hoặc cả 2 thứ tiếng cùng lúc.
h. Hóa đơn ngân hàng về việc trả lệ phí.
Để tiện cho việc thanh toán lệ phí APS, tốt nhất là các bạn tự đổi tiền và chuyển tiền từ ngân hàng. Các bạn đem khoảng 3.2 triệu VND ra tiệm vàng hoặc các quầy đổi tiền trên phố Hà Trung hoặc bất kì hiệu vàng nào (có thể mua từ ngân hàng nhưng phải tới trụ sở chính rồi giấy tờ loằng ngoằng mục đích đổi tiền thế này thế kia, mất thời gian lắm). Các bạn đổi lấy 150 USD. Sau đó tới bất kì ngân hàng nào (mình recommend Vietcombank vì cùng ngân hàng với tài khoản của đại sứ quán, thời gian chuyển nhanh hơn), chuyển tiền vào tài khoản của đại sứ quán Đức
Tài khoản: German Embassy, 29 Tran Phu, Hanoi,
Số tài khoản: 0011371844717
Vietcombank
Khi trả tiền tại ngân hàng, ghi rõ họ tên, ngày sinh của sinh viên và “APS”. 
Sau khi nộp bạn sẽ được giữ 1 hoặc 2 liên của giấy chuyển tiền. Nếu giữ 2 liên thì bạn nộp 1 liên cùng với hồ sơ và giữ lại 1 liên. Nếu chỉ có 1 liên thì bạn nên photo lại 1 bản để giữ lại và nộp liên đó cùng với hồ sơ.
Hồ sơ xin học cho học kỳ mùa hè phải nộp chậm nhất là trong tháng 8 năm trước và của học kỳ mùa
đông phải nộp chậm nhất là trong tháng 2. Nếu hồ sơ được gửi qua bưu điện đến APS thì ngày Đại sứ
quán nhận được chậm nhất là 31.8. hoặc 28.2.!.
Nếu các bạn nộp hồ sơ trực tiếp thì đem tới cửa đại sứ quán Đức 29 Trần Phú và nộp cho bảo vệ ở cửa (bảo vệ đại sứ quán nhé, không phải chú công an đứng gác đâu ^^). Sau khi nộp bạn sẽ chưa nhận được bất kì email confirm hay điện thoại nào đâu, vậy nên đừng quá lo lắng. Năm ngoái mình nộp cho chú bảo vệ, thấy chú ấy đứng cạnh bà bán đồng nát, về nhà mãi không thấy ai gọi hay email cứ ngỡ là hồ sơ mh bị lỡ tay bán đồng nát rồi kia =)). Thật ra là, nếu hồ sơ các bạn bị sai hoặc bị thiếu, bạn sẽ nhận được điện thoại yêu cầu bổ sung, còn nếu hồ sơ okie thì khoảng trước khi phỏng vấn 1 tháng, các bạn sẽ nhận được lịch phỏng vấn qua email (T4 đối với đợt T5 và T10 đối với đợt T11). Sau khi nhận được mail, các bạn sẽ được yêu cầu reply lại mail để confirm rằng mình đã nhận mail và sẽ tới tham dự cuộc phỏng vấn đúng giờ.

2. 2. phỏng vấn sinh viên khoảng 15-30 phút (chia làm 2 phần, làm bài tập và phỏng vấn).
Địa điểm phỏng vấn sẽ là trung tâm việt đức đại học Bách khoa – Hà Nội.
Đối với các bạn ở xa, các bạn nên đi sớm tới nơi phỏng vấn để tránh trường hợp bị trễ giờ (có thể đi tới đó trước một vài hôm để tham khảo). Thông thường các bạn chỉ cần đến trước tầm 30 phút để ngồi nghỉ ngơi, uống nước, chuẩn bị tinh thần. Khi đi thi các bạn mang theo CMT, bút bi, bút chì, tẩy, máy tính. Bài thi của các bạn sẽ bao gồm 2 phần, phần 1 làm bài tập: các bạn sẽ được một giám khảo đưa vào 1 phòng, phát cho 1 tờ giấy có câu hỏi yêu cầu bạn trả lời vào đó trong khoảng thời gian 15p. Sau đó các bạn sẽ được gọi sang phòng bên cạnh có một giám khảo nữa. Và cuộc phỏng vấn của các bạn bắt đầu. Đây là phỏng vấn để kiếm tra trình độ học vấn của bạn xem có thể đủ điều kiện du học không, không phải phỏng vấn kiểm tra tiếng, tuy nhiên chỉ cần bạn tự tin và làm chủ ngôn ngữ của mình, vầy là có 50% cơ hội qua kì phỏng vấn này rồi.  Hai giám khảo sẽ có một người ghi chép và một người hỏi. Đầu tiên họ sẽ chào và giới thiệu họ tên là gì và hỏi bạn:
-Mầy là ai, tới đây làm giề? Mặc dù bạn sẽ nghĩ bụng là: Tới đây tất nhiên là để thi APS để đi du học Đức rồi ^^ nhưng ai lại nói thế :v.
-Các bạn sẽ giới thiệu một chút về bản thân các bạn, tên là gì, quê quán ở đâu, học ngành gì, rồi đến vì sao chọn Đức đi du học, có dự định học trường nào chưa, vì sao???

Nói ngắn gọn thôi. Sau đó họ sẽ nhìn bảng điểm của bạn để hỏi, kinh nghiệm của mình là họ chỉ hỏi tầm khoảng 5 môn thôi, thường là môn chuyên ngành hoặc những môn cơ bản nhất hoặc là những môn nằm ở cuối bảng điểm. Để chuẩn bị kiến thức cho các môn này, các bạn nên tổng hợp lại kiến thức mình đã học từ đại học, tham khảo google, Wikipedia để học các từ chuyên ngành, hoặc là xem youtube cũng là 1 phương pháp hữu ích, đồng thời nên có bạn học cùng để có thể vừa chia sẻ kiến thức vừa luyện phỏng vấn.
Có rất nhiều bạn đã từng pv APS chia sẻ các kinh nghiệm trên các trang sividuc.org, dhd.vn, 1deutsch.info hay các group trên Fb, nên các bạn có thể tìm bạn học cùng hoặc tìm hiểu thêm thông tin từ các địa chỉ trên. Sau khi phỏng vấn khoảng 3-5 ngày các bạn sẽ có kết quả. Kết quả sẽ được trả qua đường chuyển phát nhanh về địa chỉ bạn ghi trên phong bì A4. Các bạn cũng có thể liên hệ anh Sang, là người chuyển phát kết quả để nhận trực tiếp ở Hà Nội, sđt 0917795858.

3. Tìm trường, ngành học và nộp hồ sơ xin Zulassung.
Các bạn tìm trường và ngành học (Master bằng tiếng Anh) tại địa chỉ: https://www.daad.de/deutschland/studienangebote/international-programs/en/
Các bạn có thể tìm theo tên trường, ngành học, hoặc tìm theo thành phố hay keywords.
Nên làm một file word hoặc excel tổng hợp thông tin các khóa học mà các bạn thấy phù hợp. Sau đó vào website của trường, ngành học đó để xem cụ thể hơn về điều kiện của các trường. Từ đó đưa ra quyết định cuối cùng sẽ nộp những trường nào.
Sau khi nhận kết quả APS là các bạn có thể bắt tay chuẩn bị hồ sơ để xin Zulassung rồi. Các khóa học Master ở Đức có thể nhận hồ sơ qua Uniassist hoặc nộp trực tiếp tới trường. Các hồ sơ các bạn cần nộp thông thường gồm (các trường có thể có yêu cầu khác nhau):

  • Application form (nếu apply qua uniassist thì application form các bạn sẽ tải về khi điền đầy đủ thông tin đăng kí, đối với apply các trường không qua uniassist thì có mẫu form từ website trưởng để các bạn điền và in ra)
  • Bằng tốt nghiệp đại học (dịch, công chứng, đối với bằng song ngữ chỉ cần sao y).
  • Bảng điểm đại học (dịch, công chứng).
  • Bằng tốt nghiệp C3 (dịch, công chứng).
  • Giấy báo nhập học đại học (có số điểm thi đại học; dịch, công chứng)
  • Chứng chỉ ngoại ngữ (IELTS, TOEFLtiếng Đức nếu có: Chứng chỉ IELTS chỉ cần photo, còn TOEFL hình như là phải photo công chứng)
  • APS (bản gốc)
  • Bản sao hộ chiếu (photo công chứng trang đầu tiên có thông tin cá nhân)
  • CV (Một số trường yêu cầu kí ở dưới CV, nên cứ kí cả cho chắc cú).
  • Letter of motivation (tùy từng trường)
  • Letter of reference (tùy từng trường; các bạn tự liên hệ với thầy cô giáo cũ ở trường đại học của mình hoặc là các sếp ở công ty cũ để thảo luận nội dung thư, thường thì chỉ cần các bạn viết chân phương, không chém gió quá thì việc xin chữ kí cũng không đến nỗi khó khăn. Các bạn nên mail bản mềm gồm thư giới thiệu và CV sang trước để các thầy cô nghiên cứu cũng như là lưu trữ phòng trường hợp bên trường bạn apply có liên hệ lại người giới thiệu. Khi xin chữ kí thì các bạn nên chuẩn bị chút quà gọi là cảm ơn người giới thiệu. Thường các bạn sẽ cần 2 thư giới thiệu từ 2 người khác nhau.)
  • Giải thích điểm và tín chỉ (các bạn học Kinh tế quốc dân từ khóa 49 trở về trước có thể tải bản này: https://www.dropbox.com/s/rrplk3vkgjmjtwb/Explanation%20of%20Grade%20System.jpg?dl=0

Các bạn Ngoại thương thì có thể dung bản này: www.daadvn.net/download/FTU_ECTS.pdf
Đối với các bạn không thuộc hai trường trên có thể xin bảng giải thích điểm, tín chỉ này ở phòng Đào tạo trường, nếu không có thì các bạn có thể tự gõ theo một trong hai mẫu trên, có thể xin thêm dấu cho chắc. (Bạn mình nộp không dấu vẫn được nên cũng không nên quá lo lắng vấn đề này nhé).

  • Chứng nhận thời gian công tác (cho các bạn có kinh nghiệm làm việc rồi)
  • Các bằng, chứng chỉ, khen thưởng khác nếu có.

4. Hướng dẫn apply qua Uniassist:
Hiện tại số lượng trường bắt buộc apply qua Uniassist ngày càng tăng, nên chắc chắn là các bạn sẽ phải dính dáng đến Uniassist khi nộp hồ sơ. Trước đây, mình đọc trên mạng thì mọi người khóc than rất nhiều vì Uniassist có vẻ hơi gay gắt vụ hồ sơ, nhưng thực ra mình thấy apply qua uniassist rất tiện. Chỉ cần hồ sơ của bạn đầy đủ theo yêu cầu của trường thì sẽ được uniassist forward tới cho trường nhanh chóng. Một số tiện lợi của việc apply qua uniassist là bạn chỉ cần nộp duy nhất một bộ hồ sơ cho tất cả các trường, các ngành bạn apply; tiền phí sẽ tính theo trường chứ ko theo ngành học, tức là nếu có trường bạn apply 2 ngành cùng một trường thì cũng chỉ tính xiền một lần, như vậy tiền phí sẽ là 75eu trường đầu tiên + 15eu cho mỗi trường tiếp theo.

Mình sẽ cụ thể các bước của apply qua uniassist:

4.1: Lập tài khoản uniassist của bạn tại https://www.uni-assist.de/online/Frontend/Registrierung/index
Sau khi lập tài khoản, bạn sẽ nhận được mail từ uniassist thông báo về việc kiểm tra thông tin tài khoản. Sau khoảng 2 ngày sau kiểm tra, bạn sẽ có một mail khác có đường link để kích hoạt tài khoản.
Lưu ý: Mỗi account lập ra các bạn sẽ chỉ sử dụng được cho một kì đăng kí học, do đó nếu bạn đăng kí lại ở kì học khác bạn phải đăng kí mở account mới.
4.2: Đăng nhập và trả lời các câu hỏi trong phần Basic Questions. Sau đó Lưu hồ sơ lại.
Phần thông tin địa chỉ các bạn có thể ghi tiếng Việt không dấu để về sau nhận Zu bưu điện dễ tìm nhà hơn.
4.3: Tìm kiếm trường và khóa học.
4.4: Tạo hồ sơ và điền các thông tin về bằng cấp của bạn.
4.5: Upload bản scan của các giấy tờ cần thiết. (Nhớ scan tất tần tật các bản đã dịch, bao gồm luôn cả bản bằng tiếng Việt).
4.6: Sau khi hoàn thành tất cả các bước, bạn có thể submit hồ sơ sau đó in cái Application form ra để kí và gửi kèm hồ sơ theo đường bưu điện/CPN qua uniassist.
4.7: Chuyển tiền cho Uniassist.
C1: Sau khi bạn submit tất cả các khóa học, uniassist sẽ gửi mail có bản pdf để đòi tiền các bạn. Các bạn in file này ra để ra ngân hàng tại Việt Nam để nộp tiền.
C2: Nộp bằng thẻ thanh toán quốc tế.
C3: Nhờ bạn bè, người thân ở nước ngoài thanh toán hộ.
Chú ý trong phần nội dung chuyển tiền ghi rõ:
Vietnam, ngày tháng năm sinh, họ tên, kì apply, mã số Uniassist của bạn.

Tài khoản của Uniassist:

Benificiary uni-assist e.V.
International bank code IBAN DE62100208900019055272
BIC/SWIFT-Code HYVEDEMM488
at the HypoVereinsbank
Branch* Filiale Berlin-Charlottenburg
Leibnizstrasse 100
D-10625 Berlin

Sau khi gửi tiền, các bạn lấy giấy chuyển tiền scan và photo để nộp kèm hồ sơ gốc.

4.8: Chuyển hồ sơ cho Uniassist
Gửi hồ sơ bao gồm cả Application form và giấy chuyển tiền về địa chỉ:
(name of the/a university) trường nào cũng được, chỉ cần ghi 1 trường
c/o uni-assist e.V.
Geneststraße 5
D-10829 Berlin
Germany
Tầm 2 tuần sau khi gửi hồ sơ nếu hồ sơ của bạn không gặp vấn đề gì, Uniassist sẽ forward hô sơ của các bạn về trường. Sau thêm 2 tuần nữa các bạn sẽ nhận được Zu. Trong thời gian chờ Zu, các bạn có thể mở tài khoản ở Deutsche Bank trước để tiện lợi hơn vè mặt thời gian. Vì tổng thời gian chứng thực hồ sơ + mở tài khoản cũng phải mất tầm 2 tuần.

* Bạn Hùng, sẽ là sinh viên Master, ngành Kinh tế, tại CAU Kiel học kỳ hè 2015

Tác giả bài viết: Nguyễn Mạnh Hùng

Nguồn tin: Chia sẻ kinh nghiệm cá nhân

Share.

About Author

2 Comments

  1. Rất chi tiết và rõ ràng mạch lạc. Cám ơn Hùng. Nếu đc Hùng cho xin liên lạc để mình hỏi thêm việc chọn trường ngành Economics.

Reply To De Cancel Reply

Follow us on Facebook