kehoach

Tác giả: Đỗ Doãn Đức
Ngày sinh: 30.12.1995
Chuyên ngành tiếng Anh ĐH Hà Nội – Hiện tại học ở STK Nordhausen
Học bổng PAD của Đại sứ quán Đức năm 2012
Tiếng Đức DSD 1

Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, có lẽ, để trả lời những câu hỏi kia của các bạn hoàn toàn không khó. Có chăng, cái các bạn đang thực sự thiếu, đó là kĩ năng lên kế hoạch, vạch ra dự định rõ ràng, hướng đi cụ thể cho bản thân mình trong những chuyện đại sự, những việc lớn của cuộc đời, những việc cần phải được cân nhắc thật kĩ càng.Rõ ràng, đi du học không hề đơn giản như đi tham quan xa cùng lớp. Đi du học nghĩa là bạn đã chấp nhận xa gia đình, chấp nhận đối mặt với rất nhiều khó khăn. Bạn không thể một sáng thức dậy, cười thật tươi và nói rằng, tháng sau mình sẽ đi du học. Đó là cả một quá trình từ khi bạn học tiếng, vào Đại học, chọn được ngành học phù hợp với bản thân, ngành học đó có phổ biến khi đi học ở Đức không cho tới khi bạn làm hồ sơ xin visa. Và quá trình đó sẽ mất rất nhiều thời gian. Tôi sẽ không đi sâu vào việc bạn cần phải làm gì trong suốt quá trình đó, bí ẩn một chút cho các bạn tự tìm hiểu thì sẽ thú vị hơn phải không nào?! Điều tôi muốn nhấn mạnh, đó là kế hoạch đi du học cần phải được vạch ra một cách thật tỉ mỉ, chi tiết để quá trình học tập và sinh sống ở nước ngoài vốn đã khó khăn sẽ được giảm bớt đi phần nào sự khắc nghiệt, cùng với đó, tin tôi đi, việc lên kế hoạch cụ thể này sẽ giúp bạn tiết kiêm được kha khá chi phí phải bỏ ra đó.

Tiết kiệm chi phí

Ồ, tại sao lại có thể tiết kiệm đươc kha khá chi phí nhỉ? Làm một phép tính thật đơn giản, nếu bạn không tự mình hoàn thiện hồ sơ mà nhờ tới dịch vụ của các trung tâm tư vấn du học, số tiền trung bình bạn (phải) bỏ ra sẽ rơi vào khoảng $5000, tức là tương đương với 110 triệu đồng chỉ cho riêng việc họ giúp chuẩn bị giấy tờ đầy đủ và một vài động tác cần thiết để việc đặt lịch visa được trơn tru hơn, và con số kia chưa bao gồm phí nộp của các kì thi và xin chứng nhận của Đại Sứ Quán. Trong khi Google vẫn còn (và sẽ mãi) miễn phí, cùng với một kho đồ sộ những bài viết, bài hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm của các anh chị đi trước trên trang web sividuc.org, rõ ràng việc phải nhờ tới những công ty này theo tôi là không cần thiết. Còn nếu bạn tự thân vận động, chạy tới chạy lui tự chuẩn bị giấy tờ, xin dịch và công chứng (dịch đi dịch lại cực kì nhiều lần do sai sót), học phí học tiếng Đức, phí thi TestAs, thi lấy chứng chỉ tiếng và xin chứng nhận APS … ti tỉ các loại phí, và thậm chí cả tiền xăng xe bỏ ra cho những lần chạy đi chạy lại đó, kinh phí không thể vượt quá con số $600 (13 triệu đồng). Việc so sánh thiệt hơn bây giờ chắc tôi xin nhường lại cho các bạn!

Tiếp tục với vấn đề kinh tế (rõ ràng đây là vấn đề được quan tâm hàng đầu nên nó sẽ chiếm phần lớn bài viết này của tôi), bây giờ sẽ tới mảng chi phí sinh hoạt và học tập. Về khoản này thì cũng không có gì đáng nói ngoài việc nếu bạn muốn tiết kiệm thời gian học tập (nghĩa là học nhanh nhanh cho xong đó) thì gia đình nên có nguồn kinh tế vững vàng (hay chính xác hơn là một khoản riêng để đi du học), để các bạn có thể yên tâm học hành thay vì có thêm một nỗi lo khác là phải đi kiếm tiền để trang trải cho cuộc sống ở xứ người. Tất nhiên, đi làm có cái hay của nó (quá hay là đằng khác), nhưng tiết kiệm là quốc sách phải không nào, và nếu bạn càng học nhanh bao nhiêu thì bạn càng tiết kiệm được từng đó chi phí rồi đó, mà việc tiết kiệm này thì quá là có lợi rồi còn gì, đúng không? Vì vậy, bạn cũng cần xác định luôn trước khi dấn thân vào con đường du học, về mặt kinh tế của gia đình, để một khi đã đi học thì sẽ không còn lăn tăn gì nữa mà khi đó có thể tập trung đầu óc vào duy nhất việc học thôi.
Tạm thời nói về kinh tế vậy thôi đã, vì hoàn cảnh gia đình mỗi bạn khác nhau, nên những dòng về kinh tế ở trên kia không phải là bắt buộc, đó chỉ là những lời khuyên của bản thân tôi dành cho những ai đang có ý định ra biển lớn thôi. Còn đây mới là cái bắt buộc này: tiếng Đức. Như đã nói ở trên, có nhiều bạn đưa ra câu hỏi mà khiến cho tôi cảm thấy bất ngờ. Tôi chỉ nghĩ đơn giản thế này, khi người nước ngoài sống ở Việt Nam, họ phải bằng được học cho mình vài ba câu nói bồi, ví dụ như “đắt quá” để mặc cả hay “em ơi” khi họ muốn gọi món ở một quán ăn. Bạn không thể mong đợi tất cả mọi người trong một nước nói thứ tiếng không phải là tiếng mẹ đẻ của họ, kể cả là tiếng Anh, thứ tiếng phổ thông nhất quả đất. Ừ thì cứ cho là bạn sẽ không phải học bằng tiếng Đức (rõ ràng là bạn sẽ phải học bằng tiếng Đức rồi), nhưng bạn vẫn sẽ phải sinh sống, phải giao tiếp, phải hòa nhập với lối sống và con người ở Đức, vậy nên tiếng Đức là điều kiện tiên quyết khi bạn nghĩ đến du học Đức. Đấy là chưa kể khi đi xin xác nhận giấy tờ ở Đại Sứ Quán, họ cũng yêu cầu bạn phải có chứng chỉ tiếng Đức mà. Mà chứng chỉ ở đây không phải là A1, A2, mà ít nhất phải là B1, còn nếu muốn thuận lợi cho về sau này, và nếu bạn có thời gian để học, thì tốt nhất hãy kiếm cho bản thân mình một tấm bằng B2. Nói chung là không thể trốn đi đâu được đâu, tiếng Đức là bắt buộc đó, ngày mai đi học tiếng Đức đi, nhé.

Về bản thân tôi

Cũng phải nói đôi chút về bản thân tôi, phải nói có sách mách có chứng chứ. Tôi có lẽ may mắn hơn phần lớn các bạn đang mong muốn du học, vì được học tiếng Đức ở trường từ cấp 3, vậy nên thi lấy bằng cũng không khác gì thi cuối kì, chứ không bị áp lực về thời gian như nhiều bạn hiện nay, sau 3 năm học nhàn nhã thì có được tấm bằng DSD I (tương đương với bằng B1). Nhưng với phần lớn các anh chị đi trước mà tôi biết, thời gian trung bình để họ đạt tới trình độ B1 là từ 6 – 8 tháng bắt đầu từ trình độ A1 với điều kiện phải học thật “trâu”.

Từ ngày còn học cấp 3 ấy, tôi cũng đã xác định được con đường cụ thể, đó là du học Đức. Nhờ việc xác định được mục tiêu ngay từ sớm đó, tôi có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị các bước cần thiết tiếp theo để đạt đươc mục tiêu đề ra. Những bước tiếp theo đó, thi đại học, thi TestAs, xác nhận giấy tờ, tất cả đều được thực hiện tuần tự theo như bí kíp được truyền lại của các tiền bối trên website của Ban Hỗ Trợ Sinh Viên, và khi mà mục tiêu đã rõ ràng thì giai đoạn thực hiện này càng dễ hơn, vì khi đó tôi xác định được hướng đi mình cần, không bị rẽ nhầm đường. Vì vậy, một kế hoạch dài hơi là thực sự quan trọng đối với bất kì ai đang có dự định đi du học, kế hoạch đó sẽ giúp bạn có những cái nhìn đúng hơn cũng như có các bước đi hợp lí, đúng thời điểm khiến cho việc đi du học được diễn ra thật trơn tru.

Tuy nhiên, không phải ai cũng học tiếng Đức từ cấp 3, vậy nên không phải ai cũng đi cùng con đường với tôi. Qua tiếp xúc và nói chuyện với nhiều du học sinh khác, tôi nhận ra mọi người đều có một điểm chung, đó là thường xác định mục tiêu đi du học từ sớm, thường là vào năm đầu tiên của đại học, khi đó họ sẽ có nhiều thời gian hơn để học tiếng Đức, thi lấy bằng ngoại ngữ, xin Zu và chuẩn bị giấy tờ để đầu năm 2 đại học bắt đầu tiến hành xin visa. Đây là một lộ trình hợp lí dành cho những bạn bắt đầu học tiếng Đức từ năm đầu ĐH: vào ĐH, bắt đầu học tiếng Đức (6 – 8 tháng như tôi nói ở trên), thi và có kết quả TestAs (3 – 4 tuần, tuy nhiên nếu bạn khá tiếng Anh thì nên thi TestAs bằng tiếng Anh khi đang học tiếng Đức, để rút ngắn thời gian chờ đợi, và thời gian này còn phụ thuộc vào việc bạn có kết quả tốt hay không, nếu không tốt sẽ phải thi lại, và mất thêm gần 2 tháng nữa), xin chứng nhận APS (trung bình 3 tuần), nộp hồ sơ xin và có kết quả Zulassung (4 tuần).

Cần bao nhiêu thời gian để Đức có thể sang Đức?

Tổng cộng từ khi bắt đầu học tiếng cho tới khi có đủ hồ sơ để xin visa sẽ mất của các bạn ngót nghét 1 năm, vậy nên các bạn càng bắt đầu sớm lúc nào thì càng tốt lúc đó.

Về trường hợp của tôi, vì đã có sẵn bằng B1 trong tay, nên tôi rút ngắn được hẳn 7 tháng học tiếng, và timeline của tôi như sau:
04.3:   thi TestAs
23.3:   nộp hồ sơ APS
31.3.:  nhậnkết quả TestAs
14.4:   nhận kết quả APS
18.4:   nộp hồ sơ xin Zu sang Đức
04.5:  nhận Zu gốc (bản cứng)
06.5:  mở tài khoản du học
07.5:  đặt hẹn visa
Vậy là chỉ sau 3 tháng tôi đã có một bộ hồ sơ hoàn chỉnh, tất nhiên đằng sau nó là rất nhiều buổi chạy đôn chạy đáo để hỏi về thủ tục giấy tờ, và vô số những bản nháp bị vứt đi vì thiếu sót, không đạt yêu cầu. Nhưng rồi tôi cũng đã hoàn thiện được giấy tờ của mình, với những mốc thời gian rất sát nhau và tôi tự cảm thấy rằng mình đã hoàn thành việc này thực sự xuất sắc. Và tôi tin rằng, tất cả các bạn đều có thể làm được như vậy!

Một số điểm cần lưu ý

Ngoài những điều tôi viết ra ở trên, còn có một số lưu ý, hay đúng hơn là kinh nghiệm tôi rút ra được từ công cuộc hoàn thiện hồ sơ của bản thân. Các bạn nên xác định rõ luôn ngành nghề mình muốn học khi đi du học ngay từ khi sắp thi vào Đại học, hoặc giả sử bạn đã lỡ đỗ Đại học ngành khác rồi thì đừng ngại mà có thể liên lạc hẳn với các trường để hỏi xem trường hợp của bạn có được chuyển ngành không (tôi là một ví dụ của trường hợp này, cũng đã phải gửi email cho trường để hỏi rồi). Và cũng nên xác định sớm về việc có đi du học hay không, để từ đó có lộ trình cụ thể về học tiếng, và xúc tiến xin các giấy tờ cần thiết. Như tôi nói, thời gian cực kì quan trọng, nên bạn càng xác định sớm được bao nhiêu thì sẽ càng tốt bấy nhiêu.

Một khi bạn đi du học, đó là lúc bạn xa gia đình, và là lúc bạn trưởng thành, hay nói đúng hơn, bạn cần phải trường thành. Bạn sẽ phải đối mặt với rất rất nhiều vấn đề và tình huống phức tạp không thể lường trước, vì vậy, các bạn thay vì nuôi dưỡng tính ỷ lại thì nên tập cho mình tính tự giác, kỉ luật và ý chí vượt khó, bắt đầu từ những việc thật nhỏ. Thay vì đặt một câu hỏi nghe hết sức vô trách nhiệm, và chính là bạn đang vô trách nhiệm với bản thân mình, thì hãy chú tâm tìm tòi và đọc để tự có câu trả lời cho những câu hỏi của mình, vì tôi tin rằng, những câu hỏi đó ai ai cũng có trước khi đi học, và không có lí gì mà những người đi trước đã tự giải đáp được, mà các bạn lại không thể làm được điều đó.

Vậy nhé, tất cả những gì tôi muốn chia sẻ (có lẽ) tôi đã viết ra hết rồi, hi vọng các bạn có thể tự rút ra cho mình một vài điều bổ ích trong mớ hỗn độn trên. Tôi hi vọng các bạn sẽ thành công trong những bước tiếp theo của cuộc sống cũng như trên con đường học tập, và biết đâu đấy, chúng ta sẽ hẹn gặp nhau ở Đức, khi các bạn đã thực hiện được dự định, hoài bão của mình. Thân!

dodoanduc

Nguồn tin: http://career.sividuc.org

Share.

About Author

Leave A Reply

Follow us on Facebook