Banhotrosv

Về hay ở??? PhD – Computer Science (phần 3)

Nội dung:

  1. Bước khởi đầu cho PhDs.
  2. PhD cần gì? Thông tin, kỹ năng, và tinh thần.
  3. Một chút suy nghĩ về chuyện “Ở hay về”.

T3: Một chút suy nghĩ về chuyện “Về hay Ở”

Theo mình đây là chuyện cá nhân, tùy hoàn cảnh mà mỗi người phải tự đưa ra quyết định cho mình. Chuyện gì cũng có hai mặt, không nên tuyệt đối hóa một mặt và đánh giá thấp mặt còn lại. Nhiều bài viết chia sẻ rất tâm huyết đưa ra quan điểm, nhưng đó là những quan điểm cá nhân và chúng ta không nên tuyệt đối hóa một quan điểm cá nhân trong một vấn đề có nhiều mặt. Mình cũng chia sẻ quan điểm cá nhân của mình.

Thứ nhất về hay ở phụ thuộc vào điều kiện ràng buộc hợp đồng chúng ta đã kí. Cụ thể, những ai đi du học theo nguồn kinh phí nào đó hãy thực hiện đúng hợp đồng. Vì đó là cái văn minh tối thiểu mà một người có học thức nên làm. Đó cũng là thể hiện uy tín, trách nghiệm bản thân. Báo đã đăng nhiều bài du học sinh đi du học bằng kinh phí nhà nước, có kí kết rõ ràng nhưng sau đó tìm cách thoái thác và cho đó là gánh nợ, mình cho rằng đó là một sự thiếu trách nghiệm và không có uy tín. Hãy cân nhắc trước khi kí, và khi đã kí thì hãy thực hiện.

Thứ hai, với những bạn không bị ràng buộc hợp đồng nào cả, các bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn việc tốt nhất cho bản thân mình. Mình cũng thuộc trường hợp này. Ở lại hay về Việt Nam đối với mình phụ thuộc vào triển vọng tương lai và kì vọng ở bản thân. Mình thấy, khi đã biết tiếng và học ngành công nghệ thông tin (một ngành đang thiếu nhân lực) thì không khó để tìm được một công việc ở Đức. Cuộc sống có thể nói là tốt, yên bình, ổn định. Nhưng với mình nó cũng có những điểm không đúng kì vọng bản thân. Vì thực sự người nước ngoài không có nhiều cơ hội bằng người bản địa, hơn nữa mình chuyên sâu về lĩnh vực quản lý giao thông (ứng dụng cntt), mà ở những nước phát triển họ đã tương đối hoàn chính, nên cơ hội đột phá không nhiều. Ngược lại ở Việt Nam, nhân lực trình độ cao về giao thông còn rất ít, mọi thứ đang sơ sài nên khá dễ (về mặt khoa học) để áp dụng và cải thiện tình hình. Dĩ nhiên Việt Nam còn nhiều khó khăn về cơ chế, quản lý, nhưng mình là người suy nghĩ rất tích cực, mình nhận thấy Việt Nam đang hòa nhập rất nhanh, cơ chế đang thoáng hơn rất nhiều, nên cơ hội là không ít. Rất nhiều hiệp định thương mại tự do đã và sắp có hiệu lực (như TPP).

Hơn nữa nếu ở Việt Nam thì mình có lợi thế về ngôn ngữ, văn hóa, hơn những bạn nước ngoài. Nhiều người bạn của mình đi du học và về Việt Nam, họ là những người lạc quan và họ đã, đang thành công. Họ rất ít than thở, thay vào đó họ được làm nhiều cái mới ở Việt Nam (có thể không mới ở các nước phát triển). Mình cho đó là những người đang thành công, và kì vọng về tương lai của mình cũng giống như thế.

Mặt khác, với một tấm bằng của một trường đại học ở Đức, bạn hoàn toàn có thể xin làm việc tại châu Âu hoặc bất kì nước nào khác, kể cả khi bạn đang ở Việt Nam, nên mình thấy việc về không có nghĩa là không thể trở lại nếu mình có đủ năng lực.

Tóm lại: Nếu đã kí hợp đồng có điều khoản về VN sau khi học xong thì hãy vui vẻ thực hiện, giữ uy tín cá nhân. Nếu không có ràng buộc thì tự do thoải mái, tùy kì vọng bản thân. Với mình, ở Việt Nam dù còn khó khăn, nhưng lại có nhiều cơ hội và lợi thế nên đó là một trong những nơi nhận được sự ưu tiên của mình trong công việc tương lai.

Nguyễn Tuấn Nam

Last-year PhD student at
Institute of Computer Science, Heidelberg University, Germany.

http://comopt.ifi.uni-heidelberg.de/people/nguyen/index.html

http://nguyentuannam.vn

PhD – Computer Science (phần 1)

PhD cần gì??? PhD – Computer Science (phần 2)