Chào các bạn, mình tên là Nguyễn Lê Anh Khôi, sinh năm 1992, tốt nghiệp đại học Hoa Sen ngành Kế toán. Mình có 2 nàm kinh nghiệm công tác kế toán, trong đó mình làm kế toán Robert Bosch ở Việt Nam được 1 năm. Hiện tại, mình đang theo học chương trình Master of Economics and Finance (chương trình được dạy bằng tiếng Anh) tại trường Rhein-Waal Hochschule. Sau đây, mình sẽ tóm tắt và chia sẻ một chút kinh nghiệm mình đã trải qua:

  1. Thi IELTS
  2. Thi APS
  3. Tìm trường
  4. Nộp hồ sơ
  5. Mở tài khoản ngân hàng du học
  6. Xin visa

 

  1. Thi IELTS

Hiện tại, điểm chuẩn IELTS của các trường ở Đức từ 6.0 trở lên và 4 skills không có cái nào dưới 5.0. Vì vậy, các bạn cần thi điểm càng cao càng tốt để có thể giúp hồ sơ mình cạnh tranh với những bạn bè trong nước lẫn quốc tế.

Mình đã có nền tảng tiếng Anh cơ bản và đi làm trong môi trường có sử dụng Tiếng Anh giao tiếp hàng ngày nên mình đã dành 10 tuần để ổn lại tất cả kiến thức, cấu trúc ngữ pháp tiếng Anh. Bên cạnh đó, sau khi đi làm về, mình làm một bài Test trong cuốn IELTS Cambridge Test 1-10. Từ đó, mình biết mình yếu chỗ nào, cần khắc phụ chỗ nào. Mình xin chia sẻ một số website chỉ các tips hay cho Reading, Listening và Writing.

http://ielts-simon.com/

http://www.ieltsbuddy.com/

Còn riêng kỹ năng Speaking, mình đã học tủ tất các cả các topic thường hay ra và trả lời lại theo ý của bản thân mình. Các bạn có thể tham khảo trong website này.

http://mysheo.com/

  1. Thi APS

Nói về APS, các bạn có thể xem qua file đính kèm sau đây để biết và tìm hiểu cách thức nộp hồ sơ.

Trong mục 2 này, mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm cũng như chiến lược mình ôn thi. Đây chỉ là tham khảo, các bạn có thể ôn tập và sắp xếp theo khả năng của bạn. Khoe tí, kết quả APS của mình được loại Sehr Gut. Do chuyên ngành của mình là Kế toán cho nên các môn học của mình đậm chất kế toán và ít môn liên quan đến tài chính, kinh tế. Do đó, đây cũng là một bất lợi khi apply xin học các ngành Economics tại các trường như Trier hay Kiel vì họ yêu cầu phần nhiều có các môn học tương ứng với chuyên ngành  Economics. Các bạn có  thể tham khảo bảng Excel mình đã soạn. Mình chia ra thành 6 nhóm: 1-5 và nhóm Low.

Khoi Table

Nhóm số: các bạn có thể học môn này và có thể bao quát được các môn sau vì tất cả các môn trong nhóm có liên quan đến nhau khi mình học một môn có thể nhớ lại hết các kiến thức cũng những môn còn lại vì vậy giúp chuyện ôn lại bài của mình rất nhanh.

Nhóm Low: nhóm này các bạn chỉ cần xem qua các khái niệm đại khái, không quan trọng lắm.\

Một số môn quan trọng nhất định phải xem qua đó là Kinh tế vi mô, Kinh tế vĩ mô, Nguyên lý Kế  toán, Tài chính tiền tề, Tài chính doanh nghiệp, Xác suất thống kế, Kinh tế lượng, Marketing căn bản, Kế toán ngân hàng. Bên cạnh đó, khi đi thi thực tế sẽ có 2 phần: Test và Phỏng vấn.

  • Test: bạn phải làm khoảng 10 câu hỏi trong đó có tính toán, tình huống cũng như khái niệm.
  • Phỏng vấn: tùy vào giám khảo, có thể họ hỏi các câu trong bài test bạn đã làm hoặc họ hỏi các môn cao điểm cũng như thấp điểm của bạn.

Các bạn không cần căng thẳng, chỉ cần thư giãn, tự tin trình bày, lập luận hợp lý thì sau 2 tuần các bạn sẽ nhận được kết quả đã pass APS.

  1. Tìm trường

Sau khi thi APS xong, các bạn nên bắt tay vào tìm trường để khi có kết quả APS, chúng ta có thể làm tiếp hồ sơ một cách nhanh chóng. Mình chỉ dung website DAAD để tìm trường.

https://www.daad.de/deutschland/studienangebote/international-programs/en/

Như trình bày ở mục trên, bất lợi của mình là ngành kế toán cho mình khó có thể apply vào các ngành thuần về kinh tế học. Vì vậy, mình chỉ chọn những ngày về Accounting, Finance, hoặc nửa Economics nửa Finance mà thôi. Cho nên, khi chọn trường, các bạn nên đọc thật kỹ yêu cầu của trường để tránh nộp đơn xin học vô tội vạ mà không được kết quả và tốn tiền nữa.

Sau đây là một số trường có chuyên ngành kế toán mà mình đã để mắt qua.

  1. MA Financial and Managerial Accounting, Berlin School of Economics and Law
  2. MA Accounting and Controlling, Berlin School of Economics and Law
  3. MSc. Finance, Accounting and Taxation, Freie Universität Berlin
  4. MSc. Finance, Accounting, and Taxes, Georg-August-Universität Göttingen
  5. MSc. Accounting and Finance, University of Tübingen
  6. MSc. Accounting,Taxation and Finance, Martin Luther Universität Halle Wittenberg
  7. MSc. Economics and Finance, Rhein-Waal Hochschule.

Mình đã chọn trường Rhein-Waal Hochschule vì nhiều lý do. Lý do thứ nhất đây là một ngôi trường trẻ, vì mới thành lập từ năm 2009 chiều dài lịch sử không nổi trội so với các trường đại học khác trên nước Đức nhưng bù lại nó cung cấp các trang thiết bị, cơ sở vật chất khá mới, hiện đại và hơn 80% các khóa học ở đây được dạy bằng tiếng Anh. Lý do thứ hai, vì trường có lương sinh viên tương đối vởi 6000 sinh viên đang theo học. Vì vậy, trường có thể hỗ trợ và giúp đỡ sinh viên kịp thời nhanh chóng khi sinh viên gặp phải khó khăn. Lý do thứ ba, các giáo sư và giảng viên còn khá trẻ nên nhiệt huyết và sự khí thế của họ tràn đầy cũng như lớp học tương đối ít sinh viên so với trường khác nên giảng viên cũng sâu sát được tiến trình của sinh viên mình, từ đó họ kéo sinh viên theo tiến độ học. Lý do thứ tư, chuyên ngành đại học của mình là Kế toán cũng như mình đã có kinh nghiệm làm kế toán, điều đó giúp mình có thể tiếp tục theo học lên cao hơn nữa với chuyên ngành Economics and Finance. Lý do cuối cùng cũng là lý do chủ quan của bản thân mình vì Zu của trường đến với mình trước nên mình chọn Rhein Waal và trường nằm ở bang Nordrhein-Westfalen có các thành phổ lớn và nổi tiếng như Bonn (Thủ đô cũ của Tây Đức), Köln, Dortmund (có đội bóng đá nổi danh thế giới), Düsseldorf (ví von là thủ đô Nhật ở Châu Âu), … Tất cả những lý do trên làm mình ham thích và có cảm tính với Rhein Waal.

  1. Nộp hồ sơ

Mình sử dụng Uni Assist để nộp hồ sơ nhanh gọn lẹ, không lâu lắc như mọi người hay phàn nàn với một điều kiện các bạn nên nộp trước ngày deadline yêu cầu của trường giao ra là 4-6 tuần để UA có thời gian process hồ sơ của bạn. Tiến trình tới đâu, UA có update status cũng như email báo cho mình.

Về soft copies, các bản scan nên scan to rõ, người đọc có thể thấy được đầy đủ thông tin. Về hard copies, các bạn nên dịch và công chứng và gửi sang cho UA. Để tiết kiệm chi phí, có thể tìm nhiều bạn gửi thành group điều đó không là vấn đề gì cả.

  1. Mở tài khoản ngân hàng du học

Sau khi đã chuyển hết hồ sơ, các bạn nên bắt đầu mở tài khoản ngân hàng. DAAD đã có trình bày khá rõ ràng, mạch lạc. Mời các bạn tham khảo. Lưu ý: DB đã đổi mẫu khác vì vậy các bạn nên down mẫu đơn đăng ký mới để làm.

http://www.daadvn.org/vi/22255/

  1. Xin Visa

Việc đặc lịch hẹn xin Visa tương đối khá khó hiện nay, vì nó khan hiếm, lịch mở rất ít. Vì vậy, các bạn muốn có một lịch hẹn như ý các bạn nên canh nó từ trước 3-4 tháng. Còn không, các bạn có thể mua như rủi ro rất cao, nên cần cẩn trọng.

Những giấy tờ cần thiết để hoàn tất thủ tục xin visa các bạn có thể tham khảo trên website của Đại sự quán Đức và Tổng lãnh sự quán Đức. Nếu đến hẹn nộp visa, các bạn vẫn chưa nhận được Zu hoặc một số giấy tờ chưa hoàn tất các bạn có thể được nộp bổ sung theo lịch hẹn ở sứ quán vì vậy các bạn đừng lo lắng quá.

Kết lại, trên đây là một số kinh nghiệm mình chắt chiu được hơn mấy tháng theo đuổi con đường du học Đức. Đạt được giấc mơ ấy, cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Vui vì mình sắp khám phá những điều mới mẽ, hay ho, học được những điều tiên tiến và bước chân đến trời Âu – nơi mơ ước của nhiều người. Còn buồn vì xa gia đình, một mình tự lập nơi đất khách quê người. Nhưng không sao, mỗi bước đi, mỗi quyết định, mỗi sự lựa chọn đều có cái giá của nó cả. Chúng ta nên đối mặt và đón nhận nó một cách dịu êm nhất. Mình chúc mọi người đạt được những giấc mơ, hoàn thành kế hoạch bản thân đã đặt ra.

Share.

About Author

Leave A Reply

Follow us on Facebook