Mình là Trần Tuấn Tú, hiện đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ (postdoc) tại viện Côn g nghệ thông tin (Institut für Informatik, CNTT) trường Johannes Gutenberg Universität Mainz (JGU). Qua bài viết này, mình muốn giới thiệu chi tiết về chương trình học, các ngành đào tạo của viện mình. Hi vọng là bài viết giúp các bạn có thêm thông tin hữu ích trong việc lựa chọn trường, lựa chọn ngành học.
1. Giới thiệu về ngành CNTT tại JGU
Năm 1984, trường Johannes Gutenberg Universität Mainz (JGU) bổ nhiệm giáo sư đầu tiên về Khoa học máy tính, sau đó 4 năm, viện Công Nghệ Thông Tin (Institut fur Informatik) của trường được thành lập. Hiện nay, viện có 8 nhóm nghiên cứu, định hướng vào các ứng dụng tiêu biểu, mũi nhọn của khoa học máy tính và công nghệ thông tin trong nhiều lĩnh vực khoa học, xã hội như: khai phá dữ liệu, tin sinh học, tính toán hiệu năng cao, lưu trữ và xử lý dữ liệu cỡ lớn, v.v. Trong những năm gần đây, viện thường tiếp nhận thêm khoảng 200 sinh viên vào mỗi học kì. Các chương trình đào tạo của viện định hướng vào khoa học (Science) và giáo dục (Education), với hai cấp học chính là cử nhân (Bachelor) và thạc sĩ (Master). Bên cạnh đó, chương trình thạc sĩ khoa học của trường cũng được chia thành các nhánh nhỏ hơn (các thông tin chi tiết có thể xem trong Phần 3), giúp cho sinh viên có thể tiếp cận nhanh nhất, tốt nhất với một số lĩnh vực nghiên cứu chủ đạo của thế giới.
Do JGU là một trường tổng hợp, nên viện còn có liên kết với nhiều khoa, viện khác như sinh học, kinh tế, dược v.v. giúp sinh viên có thể tích lũy kinh nghiệm làm việc liên ngành từ rất sớm. Trung tâm máy tính của trường cũng được trang bị một siêu máy tính rất mạnh (Mogon) cho phép sinh viên có thể tiếp cận với những kiến trúc, hạ tầng tính toán tiên tiến và hiện đại vào bậc nhất thế giới.
2. Chương trình học ở viện CNTT
Chương trình học ở viện CNTT cung cấp cho sinh viên đầy đủ kiến thức ở bốn mảng sau:
- Lý thuyết khoa học máy tính: liên quan khá nhiều đến toán học, cho phép ta trả lời câu hỏi “một chiếc máy tính có thể làm được những gì?”, và nếu làm được thì liệu “có hiệu quả hay không?”
- Nền tảng công nghệ thông tin: những kiến thức cốt lõi nhất, là gốc của mọi ứng dụng liên quan đến ứng dụng của máy tính ngày nay: hệ điều hành, ngôn ngữ lập trình, v.v.
- Ứng dụng: trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, đâu đâu cũng có thể nhìn thấy ứng dụng và vai trò của CNTT. Qua những môn chuyên ngành (thường là các môn tự chọn), bạn có thể đi sâu vào lĩnh vực mình yêu thích và có thể sẽ gắn với nghề nghiệp của mình trong tương lai như: tính toán hiệu năng cao, xử lý ảnh, tin sinh học, v.v.
- Kỹ thuật: các vấn đề liên quan đến phần cứng của máy tính, hệ thống máy tính: từ các cổng logic cơ bản đến các mạch số thực hiện chức năng tính toán, điều khiển, rồi dựa trên đó xây dựng những bộ vi xử lý; kiến trúc và các tầng chức năng của một mạng máy tính, v.v.
Thông thường, thời gian học tiêu chuẩn cho cấp độ cử nhân là 6 học kì, cho master là 4 học kì. Các môn học cũng được phân ra thành những môn cơ bản (sinh viên nào cũng phải học), các môn tự chọn (liên quan đến chuyên ngành), thực hành (cung cấp cho sinh viên một kĩ năng chuyên sâu) và seminar (đọc và trình bày lại các bài báo chuyên ngành).
Chương trình học ở viện CNTT cũng được thiết kế để giúp cho sinh viên có thể làm quen với việc làm việc liên ngành hoặc trong môi trường thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Điều này được thể hiện qua một số điểm như sau:
- Bên cạnh các môn hoc của viện, sinh viên còn phải chọn thêm một môn phụ (Anwendungsfach) thuộc các chuyên ngành khác để học (Toán, Kinh tế, Vật lý, Sinh, v.v).
- Trong quá trình học, sinh viên phải tự liên hệ và đi thực hành ở một công ty nào đó trong khoảng 10 tuần. Nếu không đi thực hành thì phải học thêm một môn chuyên sâu (Schwerpunkt).
- Đối với các ngành học Thạc sĩ khoa học (xem Phần 3), luận văn tốt nghiệp của sinh viên đều có đề tài liên ngành, được đồng hướng dẫn bởi giáo sư của viện CNTT và giáo sư của liên ngành tương ứng.
3.Tìm hiểu thông tin về các ngành đào tạo của Viện CNTT Mainz
Trước hết, bạn có thể vào trang web sau để tìm hiểu các thông tin cơ bản về viện (các môn học trong mỗi học kì, các giáo sư, các nhóm nghiên cứu, các thông tin, thông báo, v.v.)
Về tổng quan, toàn bộ các thông tin chi tiết về các ngành đào tạo của viện (chương trình học, giấy tờ, hồ sơ, liên kết với các khoa, viện khác trong trường v.v.) có thể xem tại trang web này
Chi tiết hơn, bạn cũng có thể tìm hiểu về từng ngành đào tạo của trường qua những đường link sau:
Hệ Cử nhân
- Bachelor of Science in Computer Science (Cử nhân khoa học, chuyên ngành Khoa học máy tính): http://www.phmi.uni-mainz.de/ENG/2772.php
- Bachelor of Education in Computer Science (Cử nhân giáo dục chuyên ngành Khoa học máy tính): http://www.phmi.uni-mainz.de/ENG/2776.php
Hệ Thạc sĩ
- Master of Science | Computer Science with Minor in Biology, Physics or Mathematics (Thạc sĩ khoa học, chuyên ngành Khoa học máy tính, ứng dụng trong Sinh học, Vật lý và Toán học): http://www.phmi.uni-mainz.de/ENG/2774.php
- Master of Science | Computer Science with Minor in Economics (Thạc sĩ khoa học, chuyên ngành Khoa học máy tính, ứng dụng trong Kinh tế): http://www.phmi.uni-mainz.de/ENG/9933.php
- Master of Science | Applied Bioinformatics (Thạc sĩ khoa học, chuyên ngành Khoa học máy tính, ứng dụng trong Tin sinh học): http://www.phmi.uni-mainz.de/ENG/10088.php
- Master of Education in Computer Science (Thạc sĩ giáo dục, chuyên ngành Khoa học máy tính): http://www.phmi.uni-mainz.de/ENG/2776.php
4. Thông tin dành cho sinh viên Việt Nam
Trong những năm gần đây, việc đăng kí học ở viện CNTT, JGU là “zulassungsfrei”, nghĩa là không có yêu cầu đặc biệt về điểm, chỉ cần vượt qua kì thi FSP. quá trình nộp hồ sơ tương tự như tất cả các ngành khác của trường.
Do bài viết được viết từ góc nhìn của một trợ giảng, nên không có nhiều thông tin chi tiết về quá trình nhập học. Các bạn nếu cần trao đổi thêm thông tin về viện CNTT, JGU hoặc liên quan đến cuộc sống và họp tập ở thành phố Mainz có thể tham gia và đặt câu hỏi tại group và fanpage của Hội sinh viên Việt Nam tại Mainz:
Group
https://www.facebook.com/groups/svvnmainz/
Fanpage
https://www.facebook.com/svvnmainz/
Trần Tuấn Tú
Cảm ơn một số bạn trong Hội sinh viên Việt Nam tại Mainz đã góp ý, bổ sung giúp mình hoàn thiện bài viết này.
Các trao đổi bạn các bạn có thể đặt câu hỏi tại Ban Hỗ trợ sinh viên SIVIDUC
Kinh nghiệm học tập tại Uni Mainz từ góc nhìn của một giảng viên