Kì 1: TestDaF và các sách ôn thi
Kì 2: Review kì thi TestDaF
1. Tổng quan về kì thi TestDaF
Một trong những chứng chỉ tiếng Đức quan trọng cho yêu cầu đầu vào đại học tại Đức là DSH, TestDaF, Telc C1 Hochschule,… Kì thi TestDaF do TestDaF Instituts tổ chức thi định kì quanh năm, có thể thi được ở cả Việt Nam, Đức và một số nước khác.
Thông thường các trường đại học yêu cầu TDN4 là đủ tiêu chuẩn ngoại ngữ đầu vào. Một số trường yêu cầu mỗi kĩ năng không dưới 4. Ngoài ra có một số ngành học yêu cầu TDN 3 (thường là kĩ thuật) và TDN 5 (thường là ngành ngôn ngữ, y dược). Nên kham khảo yêu cầu của từng trường.
2.Ngày thi TestDaF
Bài thi TestDaF gồm 4 phần theo thứ tự Đọc – Nghe – Viết và cuối cùng là Nói. Giữa mỗi phần thi sẽ có nghỉ giữa giờ nho nhỏ, bạn không được phép rời khỏi hội đồng thi. Các bạn có thể đi vệ sinh, ăn uống, trò chuyện với các thí sinh khác cho thoải mái đầu óc một tí rồi bắt đầu phần thi tiếp theo. Tuy nhiên mọi nhất cử nhất động đều được các giám thị để mắt tới.
3.Học và thi TestDaF
Trường chúng mình yêu cầu TestDaF tổng 16 điểm và tổ chức dạy khóa B2 Intensiv trong 3 tháng, và sau đó là 6 tuần khóa Vorbereitungskurs. Các bạn tham gia khóa học, nếu chăm chỉ thì đều có thể thi đỗ.
TestDaF 4 nằm ở mức C1 (Hochschule) nhưng không cần nhất thiết trình độ đạt C1 để ôn và thi vì B2 được học khá tổng quan các ngữ pháp cần thiết, còn lượng từ vựng mỗi người tự trau dồi qua báo, phim, trường học và cuộc sống hằng ngày.
Trong suốt quá trình học các bạn nên đọc nhiều báo và sử dụng ngôn ngữ “trường học” (Hochdeutsch, hạn chế Umgangssprache), vì bài thi xoay quanh các vấn đề khoa học “Wissenschaft”, các tình huống, chủ đề mà bạn sẽ gặp ở trường đại học như đăng ký một khóa học, nhận xét biểu đồ, nêu ý kiến cá nhân, đưa lời khuyên cho bạn bè, nêu lợi và hại của một vấn đề, …
Một số chủ đề thường gặp trong đề thi TestDaF như: Studium/Universität, Gesellschaft/ Psychologie, Biologie, Technologie, Medien, Naturkatastrophen, Klima, Sprache, …
Có nhiều cách củng cố vốn từ, và nhiều sách khác nhau, nhưng cá nhân thấy 2 cuốn sách khá nổi lên gần đây trong cộng đồng svvn là
Thích hợp cho TestDaF/DSH/FSP thậm chí cả kì thi STK vì từ vựng được xếp theo chủ đề, các bạn tập gợi nhớ khá đa dạng. Tuy nhiên do bản thân khá lười, mình chỉ học được…1 chủ đề đầu tiên. Vì vậy các bạn không có điều kiện mua sách, cũng không phải lo lắng, từ vựng học được qua nhất nhiều nguồn miễn phí, đa dạng, và phù hợp sở thích hơn.
4. Đọc – Nghe
Bài thi Đọc và Nghe theo đánh giá là có độ khó như các đề thi mẫu (Musterprüfung). Tài liệu thi TestDaF không nhiều, 6 đề Musterprüfung là bám sát độ khó đề thi nhất.
Xem thêm: Các sách ôn thi TestDaF
Ngoài ra nên đọc báo và nghe tin tức, xem phim có phụ đề để mở rộng vốn từ như
-Video Thema, Langsam gesprochene Nachrichten, Alltagsdeutsch… của trang Deutsche Welle, chuyên mục Deutsch Lernen. Ở đây có các bài xếp theo trình độ, nội dung, có cả bài tập từ vựng kèm theo, tiện lợi.
-Các trang báo chính thống như Spiegel, die Zeit (có chuyên mục Zeitcampus xoay quanh các vấn đề ở trường đại học, cuộc sống sinh viên), Taggesschau,…
-Focus cũng thường có các video ngắn có phụ đề về các vấn đề tin tức nhanh, mẹo vặt hằng ngày,…
-Các kênh truyền hình (cả online) như ZDF có TerraX, ZDF Info Doku về các chủ đề giải mã khoa học, lịch sử, văn hóa hay những chương trình Das Erste có Wissen vor acht giải thích các vấn đề trong cuộc sống.
– Youtube cũng có nhiều chương trình hay như einfach erklärt (explainity), Galileo, brainfaqk,.. đều là những chương trình giải thích khoa học, kinh tế, chính trị, tất tần tật
-Nghe là kĩ năng khó luyện trong thời gian ngắn vì vậy nên bắt đầu luyện nghe sớm, thông qua truyền hình, các chương trình như trên. Bên cạch đó nên bật phụ đề. Đầu tiên là phụ đề giúp dễ hiểu hơn, nếu xem cái gì không hiểu dễ chán, sau đó, phụ đề giúp nhận biết mặt chữ tốt hơn, ví dụ sẽ có những lúc bạn nghe được người ta nói rõ ràng chữ đó, lặp lại được mà không biết viết thế nào, và cuối cùng, đọc phụ đề luyện mắt đọc nhanh, khá tiết kiệm thời gian và luyện đọc hiểu cho phần đọc nữa.
-Aufgabe 4, cuối cùng là aufgabe khó nhất cho phần nghe, duy nhất được nghe 2 lần, về chủ đề Wissenschaft nào đó. Ở đây có nhiều cái khó, như chủ đề Wissenschaft rộng và cao xa (như việc công bố đồng tiền Euro ảnh hưởng gì?) từ vựng không thể nào biết hết được, nên việc nghe, hiểu và viết được đúng từ là khó. Bạn không cần viết dài, chỉ cần viết Stichwörter. Bài nghe, đọc luôn theo thứ tự nên sau khi khoanh Schlüsselwörter, bình tĩnh nghe và ghi các Stichwörter nào bạn thấy quan trọng xuống, lần 2 sau khi nghe 1 lần bài đọc, bạn có thể hiểu được phần nào và lựa chọn từ nào phù hợp.
5.Viết – Nói
Đây là 2 kĩ năng bạn nên có sự hỗ trợ từ người nói tiếng Đức như ngôn ngữ mẹ đẻ, tốt nhất là giáo viên, hoặc các bạn bè người Đức.
Viết và Nói bạn cần có 1 sườn bài trước, và áp dụng sườn bài vào tất cả các dạng bài khác nhau.
Viết có thể kham khảo sách …, sách hướng dẫn khá kĩ, phần mở bài nên viết như thế nào, dẫn đoạn, khai triển ý, đút kết lại, kết bài. Ngoài ra trên mạng có rất nhiều mẫu câu Grafikbeschreibung để các bạn áp dụng. Bạn nên chú ý 20 phút cho Grafikbeschreibung và 40 phút cho Meinungen. Có lẽ cái khó ở viết là áp lực thời gian, vì vậy „Übung macht den Meister“
Bản thân mình trước kì thi khoảng 2 tuần, mỗi ngày đều cố gắng viết một bài, một chủ đề, một dạng biểu đồ khác nhau để tạo ra được vốn từ vựng thủ sẵn có thể ứng biến với tất cả mọi loại đề. Ngoài ra các sách ôn TestDaF đều không nói về sườn bài, nhưng mình thấy khi nhận đề có 5 phút để đọc đề, trong thời gian này nên liệt kê nhanh (Schlüsselwörter) cho phần Meinungen sẽ giúp bài viết có ý tứ mạch lạc hơn. Bên cạch đó không thể quên việc sử dụng từ đồng nghĩa, cụm danh từ, cụm động danh từ,… để nâng bài viết lên cấp độ B2+
Ví dụ:
– Thay vì từ Grafik có thể thay thành Statistik, Diagramm hay cụ thể tên gọi như Liniendiagramm, Säulendiagramm, Balkendiagramm, …
– Các động từ luôn đi với giới từ, danh từ nhất định: jemandem etwas zur Verfügung = über etwas, jemanden verfügen, hay etwas den Standpunkt vertreten nhưng etwas auf dem Standpunkt stehen.
Lợi thế của TestDaF cũng có thể kể đến là phần viết và nói đều có mục Grafikbeschreibung, học một số mẫu câu hay và áp dụng cho cả hai.
Phần thi nói của TestDaF khá đặc biệt, thi với máy tính, có nghĩa bạn nói vào micro, ghi âm lại và bài thi được gửi về hội đồng chấm chung (như thi Toefl). Cá nhân mình không thích nói với máy, rất cứng nhắc và không cảm xúc cũng như cảm hứng gì cả. Nhưng thi với máy cũng có lợi ích là bạn không bị ảnh hưởng bởi Partner, trình độ được thể hiện chính xác hơn. Phần thi này có lẽ cơ sở vật chất phòng thi ảnh hưởng khá nhiều. Như cơ sở thi của mình, có khoảng 20 thí sinh ngồi trong một phòng lab hình chữ U, màn hình máy tính trước mặt, nghe loa chung và nói vào micro cá nhân. Vì vậy, mọi người bắt đầu nói cùng một lúc, rất ồn, mất tập trung vì mình nghe được cả đứa kế bên mình nói cái gì. Một mẹo được bạn mình chỉ là luyện nói trong tiếng ồn, như bật tivi, đài, nhạc để não quen với tiếng ồn và có thể tập trung hơn.
Mỗi Aufgabe khá ngắn, từ 30 giây tới 2 phút, thời gian chuẩn bị cũng chỉ tầm 30 giây tới 3 phút cho mỗi Aufgabe. Vì vậy việc học Redemittel là cực kì quan trọng. Bạn sẽ không có thời gian suy nghĩ nhiều và ghi cả câu, chỉ Stichwörter. Nên có một chiếc đồng hồ bấm giờ hay sử dụng điện thoại để canh giờ, hay ghi âm lại phần nói của mình, nghe và chỉnh sửa.
Phần thi nói có lẽ là nỗi sợ nhất của mình, vì phần Aussprache không tốt. Vì vậy thầy giáo mình có dặn, nói từ từ, rõ chữ, bình tĩnh để không sai ngữ pháp, các từ nào trong quá trình ôn thi không chuẩn, mà thường phải gặp, phải nói thì cố gắng luyện tập để nói được, còn từ nào có thể thay thế bằng từ ngữ khác dễ nói hơn thì nên thay thế, khi nói phải có ngữ điệu.
Ngoài ra cố gắng tập nói với người sử dụng tiếng Đức như ngôn ngữ mẹ đẻ, để có thể được sửa Aussprache và quan trọng là chỉnh cách nói của mình nghe lịch sự, và hay hơn.
Ví dụ: Wie läuft mein Antrag => Wie ist der Stand meines Antrags ?
Kết quả bài thi sẽ có sau 6 tới 8 tuần, bạn có thể chọn cách gửi trực tiếp về nhà tốn vài euro nộp trực tiếp ngay ngày thi tại cơ sở thi hoặc lên cơ sở thi lấy.
Chúc các bạn học và ôn thi TestDaF tốt.
Tác giả bài viết: Vanie Ngô
Nguồn: Ban Hỗ trợ sinh viên (http://banhotrosv.sividuc.org)
1 Comment
Pingback: TestDaF và các sách ôn thi