Với các bạn nghiên cứu sinh tiến sỹ (PhD program) thì việc đầu tiên đó là phải làm và báo cáo project proposal, hoặc khi các bạn có ý định xin học bổng PhD thì hầu hết các bạn đều bị yêu cầu trình bày PhD proposal. Minh viết bài này với mục đích chia sẻ kinh nghiệm khi làm PhD Proposal,  hi vọng sẽ có ích cho các bạn tham khảo.
Nói qua một chút, mình vừa tham gia một cuộc thi tuyển vị trí PhD Stipend Program tại trường mình. Các ứng cử viên sau khi nộp hồ sơ, được duyệt vào vòng trong thì sẽ phải tham gia một buổi báo cáo về PhD Project của mình, qua đó hội đồng sẽ xét dựa trên các tiêu chí của họ. Mục tiêu ban đầu của mình là tham gia lấy kinh nghiệm, nhưng rất bất ngờ là mình đã được suất duy nhất full 3 năm. Minh nghĩ có lẽ một số kinh nghiệm mình áp dụng đã có hiệu quả và muốn chia sẻ với mọi người.Chuẩn bị tốt slide
Để làm được một slide tốt các bạn phải dành khá nhiều thời gian và công sức cho nó, một slide tốt sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều cho việc báo cáo, và đây cũng là tài liệu quan trọng mà hội đồng sẽ căn cứ vào đó và hỏi bạn về dự án của mình. Khi chuẩn bị slide các bạn nên lưu ý tới một số vấn đề sau:
Thời gian báo cáo:
Việc slide dài hay ngắn sẽ phụ thuộc vào lượng thời gian mà bạn được cho phép báo cáo cũng như lượng thông tin mà bạn định trình bày trong buổi báo cáo. Mỗi trang slide thì nên được nói trong khoảng 1 phút hoặc hơn, điều đó có nghĩa là bạn không nên nói quá vội vàng vì như thế sẽ khiến bạn dễ mắc lỗi cũng như làm người nghe không kịp tiếp nhận thông tin mình định nói.
Mẫu trình bày:
Một slide có mẫu chuẩn và chuyên nghiệp sẽ được đánh giá rất cao và có thiện cảm. Mình lấy ví dụ trong đợt thi vừa rồi của mình có 6 người được báo cáo. Nhìn vào slide thì có 2 bạn trình bày không được chuyên nghiệp lắm. Theme quá đơn giản, hầu như chỉ có nền trắng. Một bạn khác thì làm slide hầu như chỉ có chữ và rất ít hình minh họa. Mình cho rằng hai bạn này đã mắc lỗi về việc làm slide dẫn đến sự thiếu hấp dẫn ở slide và không thuyết phục được ban giám khảo. Về phần mình, mình chọn được một mẫu theme cho Latex (mình dùng latex để soạn slide dạng file Pdf), mình có sử dụng logo của ban tổ chức cuộc thi. Nhìn chung mình khá hài lòng về mẫu slide mình dùng, và trông rất chuyên nghiệp.
Nội dung ghi trên slide:
Tất nhiên là phụ thuộc vào những tiêu chí mà ban tổ chức họ đưa ra, và mình nên bám sát vào những tiêu chí đó để làm bật ý là mình đủ những phẩm chất họ cần, cũng như chỉ ra rằng cái dự án của tôi là thuyết phục. Việc phân bố nội dung cho các tiêu chí cũng nên được cân nhắc.
Thông thường một PP có các phần sau

  • Giới thiệu chung về lĩnh vực mình định làm
  •  Động lực (motivation) cho dự án của mình. Tất nhiên bạn phải nói được những tiềm năng ứng dụng to lớn cho dự án của mình, và nếu được thì nêu luôn nó sẽ giải quyết được vấn đề gì đang rất cần trong thực tế. Như trường hợp của mình làm về tối ưu giao thông thì mình nói cho họ về lợi ích kinh tế, xã hội của việc quy hoạch giao thông, và cũng không quên đưa ra một bảng thống kê con số khủng khiếp về tai nạn giao thông ở các nước đang phát triển.
  •   State-of-the-Art : nói về nghiên cứu đã có trong lĩnh vực này
  • Plan for the project : mục này bạn nên làm rõ những việc mình định làm, và làm sao để thực hiện được nhiệm vụ đó. Phần này nên tỏ ra mình đã rất rõ ràng về những việc mình định làm. Không nên nói ra quá nhiều những cái nhiệm vụ to tát quá, mà quan trọng là khả năng bạn có thể triển khai được nhiệm vụ đó và hoàn thành. Nên có nhiều hình minh họa cho những nội dung mình sẽ trình bày, như thế sẽ thu hút được sự chú ý của mọi người. Đôi khi một hình ảnh đúng có thể hơn nghìn lời nói.

Trong phần này nếu được thì bạn nêu thêm những đối tác giúp bạn thực hiện được nhiệm vụ, nhớ là chỉ nêu những ai thực sự sẽ tham gia dự án chứ đừng viết tên những người nổi tiếng nhưng không có vai trò gì nhiều. Mình nhớ là có một bạn nữ, trình bày rất tốt, slide chuyên nghiệp và thậm chí còn được cả bác giáo sư hướng dẫn đứng bên cạnh hỗ trợ slide. Nhưng sau đó trong hội đồng có hỏi về vai trò của đối tác mà bạn ấy nói trên slide là một giáo sư B. (bác này rất nổi tiếng và cực kì bận rộn) trong nhiệm vụ đó là gì. Bạn ấy trả lời chung chung là bác ấy giúp về tối ưu, nhưng khi hội đồng hỏi sâu hơn thì bạn ấy mới nói là (I have no idea: tôi không biết gì cả) và bác giáo sư hướng dẫn phải đính chính là đã nói chuyện với giáo sư B. và giáo sư B. bảo là có thể một nghiên cứu sinh của ông ấy giúp được gì đó. Và như thế là hội đồng biết là bác giáo sư B. hoàn toàn không có vai trò gì trong việc bạn đó nêu, và lúc sau khi đọc kết quả (từng người) thì họ nói nguyên nhân từ chối bạn này là do bạn ý không nắm rõ ai cần làm gì trong dự án của mình. Đây cũng là kinh nghiệm. Rất may trong báo cáo của mình thì mình đã liệt kê rất chi tiết những đối tác của mình cũng như nhiệm vụ của họ trong dự án là gì.

Về cách báo cáo:
Mình thực sự khuyên rằng các bạn nên báo cáo trước ở nhà, dành khoảng 3 ngày sau khi đã hoàn thành xong slide để tập báo cáo (làm như báo cáo thật) cũng như điều chỉnh slide cho phù hợp với việc báo cáo.
Một số bạn hay đọc lại những gì ghi trên slide, nhưng điều này nên hạn chế, vì chắc chán rằng những người trong hội đồng họ biết đọc cả :P. Bạn nên thay vì đọc những gì nêu trên slide thì bạn nói bổ sung , làm rõ ý đang chiếu. Như vậy thì bạn vừa tiết kiệm được thời gian, vừa bổ sung thêm thông tin cho những gì mình định nói.
Khi báo cáo, hãy cố gắng nói thật rõ và với một thái độ tự tin và đặc biệt là tràn đầy quyết tâm. Trong lần báo cáo của mình, có một bạn người Đức, bạn này đang là người phụ giúp giáo sư hướng dẫn sinh viên. Chính vì thế bạn này có rất nhiều kinh nghiệm báo cáo. Mọi thứ đều rất hoàn chỉnh, từ việc làm slide, phong thái chĩnh chạc khi báo cáo. Sau này khi đọc kết quả bị từ chối thì ban tổ chức có nói nguyên nhân là chưa thấy đủ sự nhiệt huyết và quyết tâm của bạn, hơn nữa bạn này bị hụt một tiêu chí của ban tổ chức là phải có international education background. Bạn này mới chỉ tham gia một hội nghị nho nhỏ nào đó ở châu Á nhưng không được ấn tượng lắm.
Trong lúc báo cáo có những phần khá dễ nói hoặc có thể tạo được không khí vui vẻ trong phần này thì bạn nên tận dụng. Một không khí vui vẻ thay vì căng thẳng sẽ làm cho những người trong hội đồng xét duyệt dễ chấp nhận và có thiện cảm với báo cáo của bạn.

Một số link hay
Bài viết giới thiệu về PhD proposal
http://100thousandwords.wordpress.com/2011/03/04/writing-a-good-phd-proposal-%E2%80%93-some-guidelines-by-dr-audra-mitchell-university-of-york/
Một số bài mẫu tham khảo
http://www.cs.unc.edu/~cssa/guides/proposals/index.html
Link Latex templates
http://www.latextemplates.com/
http://andrewthall.org/dist/templates/

Cuối bài viết, xin chúc các bạn may mắn và thành công

Tác giả bài viết: Nguyễn Tuấn Nam

Share.

About Author

Leave A Reply

Follow us on Facebook