1. Yêu cầu:– Đã tốt nghiệp đại học với tối thiểu 180 hoặc 210 tín chỉ tùy yêu cầu của khóa học (Cách tính tín chỉ của các trường ở Đức khác với cách tính tín chỉ ở VN, thông thường trường ở Đức sẽ tự chuyển đổi số tín chỉ VN sang số tín chỉ Đức sau khi họ nhận được hồ sơ của mình. Tuy vậy nếu xin trường mình theo học ở Việt Nam một giấy giải thích và chuyển đồi tín chỉ luôn thì tốt hơn. Mình có đính kèm ở đây giấy giải thích hệ tín chỉ xin ở trường ĐH của mình ở VN).
– IELTS tối thiểu trong khoảng từ 6 đến 7
– Chứng chỉ APS (kinh nghiệm ôn thi APS ngành Kinh tế mình ghi ở mục số 5 bên dưới)
– GMAT đối với một số khóa học ngành quản trị và GRE đối với một số khóa học ngành kinh tế
– Kinh nghiệm làm việc đối với một số khóa học ngành quản trị
– Ngoài ra mỗi một khóa học khác nhau sẽ có các yêu cầu phụ khác, ví dụ như khóa mình học yêu cầu phỏng vấn sau khi nộp hồ sơ, có khóa học lại yêu cầu gửi sample writing hay bachelor thesis cho họ. Nhớ lên website của chương trình học để biết rõ và cập nhật thường xuyên xem mình cần chuẩn bị những gì.
2. Lịch trình chung:
Bắt đầu học vào kì mùa hè: (ở Đức có những khóa chỉ bắt đầu vào mùa hè, hoặc chỉ bắt đầu vào mùa đông; cũng có những khóa học bắt đầu vào cả 2 kì trong năm như khóa mình học. Tuy vậy, mùa đông thường có nhiều khóa hơn mùa hè, vì vậy nên bạn sẽ có nhiều lựa chọn khóa học hơn nếu chọn bắt đầu vào kì mùa đông)
– Đăng kí thi APS: tháng 5
– Thi APS: tháng 11 và sẽ có kết quả sau khoảng 1 đến 2 tuần
– Hạn nộp hồ sơ: từ tháng 10 đến tháng 1 tùy trường. Hầu hết các trường có hạn là 30 tháng 12 hoặc 15 tháng 1 năm sau, tuy vậy vẫn có những chương trình có hạn là 15 tháng 10 L Nếu bạn chưa có sẵn APS và phải đợi đến tháng 11 mới thi và có kết quả thì sẽ có một vài khóa học bị quá hạn nộp. Vì vậy nhớ để ý hạn đăng kí của các trường.
– Nhận kết quả: 2 đến 4 tuần sau khi nộp hồ sơ
– Mở tài khoản ngân hàng, làm visa, đặt vé máy bay: tháng 2 và tháng 3
– Bắt đầu kì học vào tháng 4
Bắt đầu học kì mùa đông
– Đăng kí thi APS: tháng 2
– Thi APS: tháng 5
– Hạn nộp hồ sơ: từ tháng 3 đến tháng 7
– Nhận kết quả: 2 đến 4 tuần sau khi nộp hồ sơ
– Mở tài khoản ngân hàng, làm visa, đặt vé máy bay: tháng 8 và tháng 9
– Bắt đầu kì học vào tháng 10
3. Tìm khóa học
Các khóa học thạc sĩ ngành kinh tế bằng TA ở Đức khá nhiều. Mình chủ yếu tìm các chương trình ở trang web của DAAD: https://www.daad.de/deutschland/studienangebote/international-programs/de?p=l#q=°ree[]=2&fos[]=1&fos[]=2&fos[]=7&subject=0&lang[]=1&lang[]=2&langDistribution=0&bgn[]=SW&bgn[]=S&sortBy=1&page=8&display=list
Ngoài ra các bạn nên vào thẳng website của trường để tìm. Tìm ra khóa học trên trang web của DAAD rồi cũng nên quay lại website của trường kiểm tra lại thông tin của chương trình học đó vì thông tin trên website của trường đầy đủ chính xác hơn. Nếu có bất cứ thông tin gì không rõ ràng về bất cứ điều gì liên quan đến khóa học, nên viết mail hỏi trường luôn. Các bác Đức trả lời mail rất nhanh và tận tình chứ không có chuyện cánh mail của mình một đi không ngày nhận hồi âm như viết mail cho trường ở nhà đâu.
4. Thi IELTS
Cái này mình bỏ qua nhé vì các bạn còn nhiều kinh nghiêm ôn và thi IELTS hơn mình 😀
Mình chỉ chia sẻ là các chương trình ở Đức yêu cầu TA không cao lắm, cao nhất mình biết (ngành Kinh tế) là 7. Ngoài ra các trường còn chấp nhận cả TOEFL và có trường còn chấp nhận cả TOEIC nữa. Bạn nào học chương trình đại học ở nhà bằng tiếng Anh thì cũng nên làm một cái giấy xác nhận ngôn ngữ học tập ở ĐH của mình bằng TA và gửi kèm theo các chứng chỉ khác mà bạn có. Nếu bạn đã có IELTS rồi và vẫn còn dư dả thời gian thì học thêm tiếng Đức nữa.
5. Thi APS
– APS là một chứng chỉ nhằm kiểm tra tính xác thực của bằng cấp ở VN của mình. Tất cả sinh viên VN muốn qua Đức học master đều phải có APS. Hình thức thi thì bao gồm 2 phần, bài tập và phỏng vấn trực tiếp.
– Một năm chỉ có hai kì thi APS vào tháng 5 và tháng 11. Muốn thi vào tháng 5 thì hạn đăng kí là cuối tháng 2, muốn thi vào tháng 11 thì hạn đăng kí là cuối tháng 8. Vì chỉ có 2 lần thi một năm và cần đăng kí sớm như vậy nên các bạn cần lập kế hoạch chuẩn bị du học Đức trước ít nhất là nửa năm nếu không muốn bị lỡ APS và phải chờ thêm nửa năm nữa.
– Đăng kí thi APS:
+ Thủ tục làm hồ sơ APS mình để ở file đính kèm
+ Hồ sơ có thể được nợ một số giấy tờ như IELTS hay bằng tốt nghiệp để bổ sung sau
– Ôn thi APS: mình học đại học ngành kinh tế đối ngoại, kinh nghiêm ôn APS của mình là:
+ Để ý đăng kí thi APS đúng hạn, một năm chỉ có 2 lần thi thôi, lỡ một lần là chờ thêm 6 tháng mới có đợt thi
+ Sauk hi đăng kí thi, mình lên diễn đàn du học Đức tìm bạn ôn cùng. Mọi người hay lên forum update lịch thi, ngành thi của mình nên việc tìm bạn cùng ngành ôn cùng không khó đâu. Cùng ôn tập còn giúp đỡ chán, có thêm động lực và đỡ vất vả hơn nữa. Có bạn ôn cùng mà bạn đó thi trước thì còn có khả năng mình biết luôn đề trước nữa.Túm lại nên tìm người cùng chí hướng ôn APS 😀
+ Cách ôn APS: mình nhìn vào bảng điểm rồi chia các môn học thành 4 nhóm: nhóm 1 là nhóm cơ sở gồm Toán, triết, tin vv; nhóm 2 là nhóm kinh tế bao gồm Vi mô, Vĩ mô, kinh tế quốc tế, kinh tế môi trường, kinh tế phát triển vv; nhóm 3 là nhóm các môn tài chính- quản trị và nhóm 4 là nhóm các môn chuyên ngành KTĐN như logistics, giao dịch TMQT… Nhóm 1mình bỏ qua không ôn, tập trung chủ yếu ôn 3 nhóm còn lại và ôn trọng tâm các môn kinh tế.
+ Bạn học ngành nào thì nên chú trọng ôn các môn chuyên ngành của ngành đó. Ngoài ra theo kinh nghiệm của các anh chị thì các môn điểm quá cao hay quá thấp, các môn học kì cuối cũng nên chú ý ôn kĩ vì dễ bị hỏi.
+ Mỗi môn mình sẽ tổng hợp kiến thức trong khoảng 1 đến 2 trang a4. Nếu có bạn ôn cùng thì chia ra mỗi người tổng kết một nửa số môn sẽ đỡ vất vả hơn. Đi thi APS các bác ấy sẽ hỏi môn này học cái gì rồi hỏi sâu vào cái mà mình trả lời. Vì vậy nên không nhất thiết phải ôn tất cả những gì đã học ở ĐH, chỉ ôn những gì cơ bản nhất thôi. Phần nào bị hỏi mà không nhớ có thể nói là phần đó cháu không học, cháu học phần ABC XYZ ạ và hướng các bác ấy hỏi về mấy cái mình đã học. Tất nhiên không thể nói là cháu không học những phần kiến thức quá cơ bản và đã trả lời phần nào thì phải trả lời chắc chắn và đúng, đừng chém không là chết dở.
+ Sau khi đã học hết lý thuyết của các môn thì mình giành thời gian làm bài tập mấy môn trọng tâm như Vi mô, vĩ mô, kinh tế quốc tế. Đến gần ngày thi thì tổng ôn tập lại lý thuyết một lượt và ngồi làm bài tập, học một số thông số kinh tế chủ yếu của VN như GDP, lạm phát, tỷ giá, các mặt hàng xuất nhập khẩu vân vân.
+ Hôm đi thi, đến nơi ngồi chờ khoảng 20 phút thì được gọi vào phòng ngồi làm bài tập. Bài tập được giao khá ngớ là hãy giới thiệu cho một người nước ngoài muốn biết về kinh tế Việt Nam. Làm khoảng 15 phút thì có một bác sang thu bài và mời qua phỏng vấn. Phỏng vấn mở đầu được hỏi tại sao chọn Đức, ai trả tiền cho đi học, tại sao đi học master thay vì đi làm, học xong định làm gì, định học ở đâu – tóm lại là các câu hỏi mang tính cá nhân. Sau đó mình được hỏi về hai môn kinh tế môi trường và kinh tế phát triển, ban đầu hỏi môn này học gì rồi sau hỏi sâu dần vào cái mô hình mà mình nói. Mình cũng được yêu cầu thuyết trình lại phần bài tập vừa làm, hỏi VN nhập gì của Đức, Đức có các nhãn hiệu xe hơi gì và Đức nhập khẩu gì của Việt Nam. Sau đó thì được thả về.
+ Sau khoảng hơn 1 tuần thì mình nhận được điện thoại của ĐSQ gọi lấy kêt quả APS. Kết quả APS có trượt, tạm qua, khá, tốt và rất tốt. Nên cố để được từ khá trở lên.
6. Làm hồ sơ
– Hầu hết các trường sẽ không nhận hồ sơ trực tiếp mà nhận hồ sơ qua Uni-assist. Đây là một tổ chức trung gian với nhiệm vụ xét duyệt hồ sơ của thí sinh và nếu hồ sơ đầy đủ thì mới chuyển tiếp sang cho trường duyệt. Vì vậy mà hồ sơ gửi cho uniassist phải rất đầy đủ, có giấy tờ gì gửi đi hết. Như mình đã nói ở phía trên, mỗi chương trình có thể yêu cầu thêm một số giấy tờ khác ngoài thư giới thiệu và đơn xin học, cần lên website của chương trình học đó đọc kĩ để tránh sai xót.
– Mình có liệt kê ở file đính kèm tất cả giấy tờ mình gửi cho uniassist. Với mỗi một trường bạn đăng kí, bạn cũng nên làm một cái checklist như thế này và gửi kèm theo hồ sơ cho uniassist để họ dễ dàng phân loại giấy tờ của mình. Một số loại giấy tờ không được yêu cầu gửi nhưng vẫn nên gửi là giấy báo đỗ đại học (bản dịch công chứng), giấy giải thích hệ tín chỉ ở Việt Nam, giấy chứng nhận kinh nghiệm làm việc v.v
– Những giấy tờ cần đầu tư công sức:
+ CV
+ Thư xin học (motivation letter): sau khi viết nhớ nhờ bạn bè đọc và nhận xét giúp, nhờ được các anh chị từng có kinh nghiệm apply thành công đọc nữa thì càng tốt. Một số trường có giới hạn số chữ hoặc số trang khi bạn viết thư xin học. Nếu trường ghi trên website là đơn xin học chỉ dài 1 trang thì thử viết mail hỏi xem viết 2 trang có được không. Cá nhân mình thấy 1 trang hơi ngắn và trên thực tế mình có viết mail xin trường cho em viết 2 trang thay vì 1 trang và được trường chấp nhận.
+ Thư giới thiệu (letter of recommendation): cũng giống như các bạn khác, mình tự viết LORs rồi gửi thầy cô xem trước sau đó in ra và tới xin chữ kí của thấy cô. Nên xin LORs từ thầy cô dạy môn nằm trong ngành mà bạn định học ở bậc thạc sĩ. Thư giới thiệu cũng nên được in trên giấy có logo của trường sau đó bỏ vào phong bì cũng có logo của trường (mua ở phòng văn thư ý). Nhớ nhờ thầy cô kí cả trên LOR lẫn bên ngoài phong bì để tăng tính formal của bộ hồ sơ 😀
Bạn nào muốn tham khảo thư xin học (motivation letter) và thư giới thiệu ( recommendation letters) của mình có thể viết email tới trieuthaochi.ftu@gmail.com, public ở đây mình bị ngại 🙂
+ Bảng điểm và APS: hai cái này cần đầu tư dài hơi rồi, các trường ở Đức khá coi trọng điểm học ở đại học, vậy nên các bạn đang còn học ĐH cố gắng đạt điểm cao và tốt nhất là loại giỏi nhé.
Những giấy tờ còn lại chỉ cần dịch công chứng cận thận là okay.
– Hồ sơ gửi cho Uniassit chỉ cần gửi mỗi loại giấy tờ một bản – gửi cả online và gửi bằng đường bưu điện. Đối với gửi online, đầu tiên cần lên trang uniassist.de lập một tài khoản cá nhân, tìm khóa học rồi upload bản scan những giấy tờ cần thiết lên sau đó submit online.Sau khi submit online và trả lệ phí đăng kí, bạn đính kèm biên lai thanh toán lệ phí vào hồ sơ và gửi theo đường bưu điện. Hồi mình gửi hồ sơ đi thì gặp khó khăn trong khâu trả lệ phí thi vì ở Việt Nam, chuyển tiền ra nước ngoài cần có giấy tờ khá lằng nhằng, đại ý bạn phải nói Uniassit gửi cho bạn một giấy chứng nhận họ có thu tiền của bạn, rồi đem giấy ấy ra ngân hàng làm thủ tục thì mới được chuyển tiền. Cuối cùng mình đành nhờ bạn ở Anh chuyển tiền qua Đức, scan lại biên lai thanh toán và gửi kèm bộ hồ sơ. Bạn nào có người nhà bên Đức thì sẽ dễ dàng hơn, nếu không thì nên tìm anh chị/bạn bè ở Đức thanh toán cho Uniassit giúp để tránh rủi ro.
– Sau khi nhận được hồ sơ của bạn qua đường bưu điện, uniassit sẽ gửi email xác nhận hồ sơ của bạn đã đầy đủ chưa, nếu thiếu thì cần bổ sung những gì. Chú ý là trong trường hợp hồ sơ thiếu mà bạn gửi bổ sung sau deadline thì vẫn không được công nhận, vậy nên gửi càng sớm càng tốt. Sau đó một thời gian sẽ đến lượt trường thông báo nhận được hồ sơ của bạn, rồi đến lượt kết quả bay về tới tấp và đến lượt ngồi nghĩ xem nên học trường nào, ngành nào 🙂
Nếu quá lâu mà chưa thấy trường trả kết quả thì nên viết email hỏi vì có thể trường gửi kết quả qua đường bưu điện về VN và bị thất lạc. Có thư nhận học của trường rồi thì bắt tay vào mở tài khoản ngân hàng bên Đức (Deutsche Bank) và apply visa. Đến lúc này vẫn còn rủi ro là bạn bị từ chối visa, nhưng rủi ro không lớn lắm đâu, chuẩn bị hồ sơ visa cần thận và đừng chủ quan là ổn thôi.
Trước khi sang nên nhờ các anh chị du học sinh VN ở nơi bạn sắp đến học ra sân bay đón và dẫn đi làm thủ tục giấy tờ và làm quen với việc đi lại mua bán, nhất là nếu bạn không giỏi tiếng Đức lắm.
Nếu có thắc mắc về bất kì điều gì trong các mục ở trên, các bạn có thể nêu câu hỏi trong Nhóm BAN HỖ TRỢ SINH VIÊN. Ở đây có các anh chị đã/đang sống và học tập ở Đức ở nhiều ngành học khác nhau và rất sẵn sàng giúp đỡ: https://www.facebook.com/groups/banhotrosv.sividuc/
Xong rồi thì lên đường thôi, 2 năm trải nghiệm và học tập hết mình đang chờ đợi phía trước. Lúc viết note này mình mới ở Đức được 12 ngày, nước Đức trong con mắt của mình thực sự rất đáng mến và thú vị, hoàn toàn xứng đáng với công sức chuẩn bị đã bỏ ra.
Chúc bạn thành công nhé!
Marburg, nước Đức, 18 tháng 4 năm 2014
Các tài liệu đính kèm: https://www.mediafire.com/folder/cja5tutzcym6c/Application_package
Tác giả bài viết: Triệu Thị Thảo Chi