Chia sẻ kinh nghiệm của Vanie Ngô  về hành trình học tiếng Đức.

Mình học A1-A2 lớp bán cấp tốc ở Goethe HCM trong năm học lớp 12 (trong 8 tháng đi học buổi tối 3 buổi/1 tuần), sau đó nghỉ ôn thi ĐH và vừa ngay sau kì thi ĐH thì mình học lớp B1 cấp tốc luôn ở viện Goethe (3 tháng cho học và thi B1). Kết quả đạt được: đã có tiếng Đức trình độ B1 với các kỹ năng trên 80 (Nghe 87, Đọc 83, Viết 93 và Nói 87)

Mẫu đề thi B1 Goethe Zertifikat có thể tham khảo ở đây 

1.Đọc 

Với phần đọc tất nhiên luyện càng nhiều đề thì càng tốt. Trên mạng cũng đã có những tựa sách nên dùng, kể cả file, cứ down về mà xài. Mình cũng có chút hối hận vì sự lười của bản thân mà ham hố, photo cũng đủ loại cả, So geht’s, Werkstatt,… nhưng chưa kịp làm. Chỉ mới kịp làm một vài đề trong bộ 15 đề mới, nên chỉ dám đánh giá cuốn này. Mình thấy đi thi đề khó hơn, từ vựng cũng nhiều, lạ hơn. Và vì thi Lesen đầu tiên, nên bộ não chưa đủ tỉnh táo và cứng, đọc ngay teil 1 thấy khó hơn đề mình luyện nên hoảng loạn. Vì vậy khi luyện đề, hãy làm với đồng hồ và không có từ điển, học các tiền tố trong trennbare verben để đoán nghĩa của từ khi gặp từ mới. Áp dụng các kĩ thuật như tìm từ khoá, gạch dưới từ khoá, đọc lướt tìm thông tin,…Lưu ý thông thường, teil 3 sẽ có 1 Anzeige là 0, Teil 4 thì có một số câu mẫu thể hiện ý ủng hộ hoặc phản đối cần đọc để biết, khi làm bài có thể tiết kiệm thời gian hơn.

2.Nghe 

Một nỗi ác mộng chung. Mình cũng sợ nghe, vì vậy mình tuân theo các bước làm bài như sau: trước hết phải đọc hiểu đề, gạch các từ quan trọng, sắp xếp các ý của đề trong não theo trình tự để khi mình nghe lỡ hụt một đoạn nào thì có thể nhảy đến ý gần nhất, khi nghe thì tập trung và bình tĩnh, lỡ có trượt 1 ý thì nghe tiếp ý sau chứ không ngồi cố suy nghĩ đáp án cho ý đó rồi lại mất ý tiếp theo nữa. Các ý không nghe được, mình có thể đoán, dựa trên ngữ cảnh của bài nghe và logic. Về việc luyện nghe nên vừa nghe vừa đọc Transkiption, cách này giúp nhận dạng mặt chữ khi nghe, tăng vốn từ, luyện mắt nhanh để đọc nữa nên rất hiệu quả…

3.Viết 

Về phần viết đề thi B1, mình thấy teil 1 và 3 rất dễ luyện, đọc bài viết mẫu ở đáp án sẽ giúp mình học được nhiều mẫu câu hay để biểu đạt. Lúc ôn thi cũng nên chuẩn bị luôn sườn bài hay những câu thông dụng sẽ sử dụng trong 2 phần này, việc này sẽ giúp tiết kiệm thời gian để làm teil 2, thường khó hơn, và tránh lỗi sai nhảm nhí mất điểm ở 2 phần dễ lấy điểm này. Học một số cụm hay, đắt giá để ứng dụng và nhớ xài đúng, không thì mất điểm còn đau hơn!

Ví dụ: như teil 1 viết thư, thường kể lại một sự kiện nào mình đã tham dự, và mình rất thích câu biểu cảm “Mình rất thích điều này vì đây là lần đầu tiên trong đời mình được trải nghiệm” nên mình thuộc luôn câu “ So was habe ich noch nie in meinem Leben erlebt. Das hat mir sehr gut gefallen.”

3.Nói 

Về phần thi nói, mình còn rất dở phần này nên mình đã hỏi 1 cao thủ đang học ở STK Leipzig cũng là học trò của cô Dương, chị Thùy Anh (nói và đọc 100, nghe 97, viết 93). Chị chia sẻ: “Thật ra chị luyện không nhiều đâu, chú ý cách phát âm cho chuẩn, cách lên xuống giọng cho tự nhiên. Khi nói thì chị dùng cấu trúc câu đơn giản, đỡ bị khớp. Cũng may là chủ đề dễ và đã gặp qua nữa.” Mẹo truyền thống mà giáo viên hay chỉ là nói và tự ghi âm lại, khi ấy mình sẽ biết mình nói bao lâu, nghe lại thì biết lỗi sai của mình. Chuẩn bị nhiều chủ đề để mình tự tin khi đi thi. Tập triển khai câu từ những ý mà mình ghi, suy nghĩ lẹ để khi gặp đề lạ còn có thể xoay sở tốt. Partner cũng là một yếu tố quan trọng vì teil 1 sẽ nói cặp, cả 2 nên chủ động nói trước vài lần teil 1 để biết ý đối phương, trình độ mà còn tìm cách nói cân xứng.

4.Các lưu ý chung:

-Khi đi thi phải mang theo Passport và chỉ được đem Passport vào phòng thi, giám thị sẽ phát bút cho sử dụng.

-Đánh mã đề chính xác.

-Bài thi sẽ theo thứ tự Đọc, Nghe, Viết, giữa các phần sẽ có thời gian nghỉ ngắn để xoã não, vệ sinh, uống nước, nói chuyện với người thi cùng (hạn chế nói về bài thi, vì chỉ làm lo lắng hơn, không tập trung cho phần sau do mãi nghĩ về phần thi trước).

-Sau khi thi Viết, cũng là phần thi cuối cùng của ngày thi đầu tiên, mọi người sẽ tập trung ở sảnh để xem bảng thông báo về giờ thi, Partner thi nói cùng. Có thể hẹn Partner lên sớm, hoặc vào buổi sáng hôm sau để luyện tập Teil 1.

(áp dụng đối với Goethe Hồ Chí Minh, các điểm thi khác có thể có chút thay đổi)

5. Tài liệu ôn thi B1 và bộ tổng hợp một số đề thi nói:

http://forum.sividuc.org/viewtopic.php?f=66&t=129&p=184#p184

Kì 1: Học tiếng Đức: đừng bỏ qua những chi tiết nhỏ?

Kì 2: Bài thi B1: những kinh nghiệm ôn và thi

Kì 3: Vui học tiếng Đức

Tác giả bài viết: Vanie Ngô – Nguồn: hotrosv.de

Share.

About Author

1 Comment

  1. Pingback:  Học tiếng Đức: đừng bỏ qua những chi tiết nhỏ!

Leave A Reply

Follow us on Facebook