Tốt nghiệp M-Kurs từ Studienkolleg, chắc hẳn rất nhiều bạn đem theo mình ước mơ trở thành bác sĩ và quyết định học ngành Medizin tại Đức – một trong những Quốc gia có nền Y học tân tiến hiện đại nhất Thế giới. Để hiểu rõ hơn về ngành học này, chúng ta cùng lắng nghe chia sẻ của bạn Phương Linh, hiện đang theo học ngành Y đa khoa tại UKE – Uni Hamburg nhé! (UKE – Uni Klinik Eppendorf là bệnh viện điều trị bệnh truyền nhiễm mức độ cao tốt nhất Thế giới, cũng chính là nơi điều trị các nhân viên y tế của WHO bị lây nhiễm Ebola từ châu Phi) *****
Xin chào các bạn, mình là Vũ Trần Phương Linh, hiện là sinh viên kì 2 ngành Medizin tại Universität Klinikum Hamburg-Eppendorf.
Chắc hẳn các bạn khi mới sang Đức hoặc khi đang học Studienkolleg đều gặp phải những khó khăn nhất định không biết nên chọn ngành nghề gì cho phù hợp. Nhất là khi số ngành nghề lại quá lớn, số lượng thông tin lại quá nhiều, không biết nên tìm hiểu ở đâu cho chi tiết, cặn kẽ dẫn đến Schock khi nhập học và kéo theo kết quả cũng sẽ ko dc như ý hay phải mất thời gian để làm quen dần rồi mới hòa được vào nhịp học. Vì thế trong bài viết này mình muốn chia sẻ với các bạn 1 số thông tin chung về ngành Y , cụ thể là tại Hamburg (chương trình học, các loại hình dạy học,….) và một vài kinh nghiệm mình có được trong 1,5 kì vừa qua.

1.Đôi nét về Universität Klinikum Eppendorf (viết tắt là UKE):

UKE có Campus giảng dạy rất lớn và nằm trong khuôn viên của bệnh viện Eppendorf với nhiều Klinik và Zentrum lớn nhỏ nằm rải rác. Có nghĩa là khi bạn vào UKE bạn có thể bắt gặp từ giáo sư, bác sĩ cho đến sinh viên hay bệnh nhân,…
Chắc có khá nhiều bạn ngỡ ngàng là tại sao trong phần giới thiệu ở bên trên mình lại viết là Universität Klinikum Hamburg-Eppendorf chứ không phải là Universität Hamburg. Có khá nhiều người cũng hỏi mình là Uni mình học là Uni privat ah hay nó không phải Uni Hamburg ah. Thì câu trả lời của mình là không.
Universität Klinikum Hamburg-Eppendorf là Fakultät für Medizin của Uni Hamburg, có nghĩa là khi bạn nộp hồ sơ cho ngành Y của Hamburg, các bạn sẽ nộp cho Uni Hamburg và sẽ được tuyển chọn với những chỉ tiêu mà Uni Hammburg đề ra nhưng khi học các bạn sẽ học tại Campus của UKE. Nhưng đồng thời UKE cũng là 1 Uni độc lập, vì UKE có bộ máy điều hành riêng như 1 viện trưởng (phụ trách quản lí việc khám chữa bệnh) và 2 viện phó (1 người quản lí việc nghiên cứu y học, 1 người quản lí việc giảng dạy và đào tạo ngành y). Lịch học của bạn sẽ được UKE sắp xếp sẵn, không cần phải đăng kí môn hay đăng kí giờ học qua Uni Hamburg.
Nói tóm lại là bạn chỉ liên quan đến Uni Hamburg khi bạn nộp hồ sơ và nộp tiền học vào đầu mỗi kì học.

2.Chương trình học ngành Y tại Hamburg:

Ngành học Medizin theo quy định sẽ kéo dài 12,5 kì, nghĩa là tầm 6 năm. Với cấu trúc: kì 1- kì 4 là giai đoạn cơ bản, kì 5 – kì 9 là giai đoạn chuyên sâu, kì 10 viết luận văn (trong luận văn này các bạn cũng có thể viết luôn luận án tiến sĩ nếu muốn và có khả năng), kì 11-kì 12 là 1 năm thực tập trong bệnh viện (không lương). Nếu cả luận án và năm thực tập trong bệnh viện của bạn đều thành công thì bạn sẽ được tốt nghiệp. Không chỉ có năm cuối mà trong các kì nghỉ của chương trình học (nghỉ hè, nghỉ đông) các bạn cũng phải hoàn thành số tháng thực tập theo quy định sau: đến kì 5 phải có giấy xác nhận 3 tháng thực tập ở vị trí y tá tại bệnh viện kèm theo giấy chứng nhận đã tham gia khóa học sơ cứu cứu thương (nếu không có thì không được học tiếp), đến kì 10 phải có thêm 4 tháng thực tập ở vị trí trợ lý bác sĩ trong 3 khoa khác nhau (không có thì không được viết luận văn và thực tập năm cuối). Sau khi tốt nghiệp ra trường theo lý thuyết thì các bạn đã là bác sĩ nhưng thường thì các bạn sẽ phải làm trợ lý bác sĩ (Assistenzarzt) tầm 1-3 năm rồi sau đó sẽ được chính thức hành nghề bác sĩ.
Khác với ngành Y của nhiều thành phố khác, từ kì mùa đông 2012 UKE bắt đầu chuyển sang 1 mô hình giảng dạy mới Modellstudiengang Medizin IMed, cũng chính vì vậy mà chương trình học của UKE có đôi chút khác biệt với những nơi khác.
Khác với Regelstudiengang (mô hình dạy học cũ của UKE và cũng vẫn đang được áp dụng tại rất nhiều nơi khác). Modellstudiengang có cấu trúc theo Modul, mỗi Modul sẽ về 1 chủ đề khác nhau và trong mỗi Modul ấy sinh viên sẽ được học cả về lí thuyết lẫn các kĩ năng thực hành trong Klinik liên quan đến chủ đề, chứ không đơn thuần chỉ dạy thuần túy lí thuyết trước rồi mới đến thực hành các kĩ năng khám bệnh, sơ cứu cứu thương như ở Regelstudiengang.
Ở mô hình dạy học mới mỗi học kì sẽ được chia làm 3 Modul theo thứ tự: Modul 1 (6 tuần )-thi-Modul tự chọn (2 tuần ) –thi- Modul 2 (6 tuần)-thi. Có nghĩa là Modul 1 sẽ kéo dài 6 tuần và thi kết thúc Modul ở tuần thứ 7 và ngay tiếp sau tuần thi của Modul trước sẽ bắt đầu Modul tiếp theo. Mỗi Modul sẽ gồm tầm 5-9 môn học với những mảng kiến thức liên quan đến chủ đề của Modul. Chính vì lịch học và kiến thức dày đặc kèm theo không có thời gian được nghỉ để ôn thi nên để đỗ được Modul đòi hỏi bạn phải tập trung trong suốt quá trình, học đến đâu phải nắm vững đến đấy. Chính điều này gây ra không ít Stress cho sinh viên.
Ở các Modul 1, Modul 2 của các kì (được gọi là các Modul chính) các bạn sẽ được học những kiến thức cơ bản của y học với các môn như: giải phẫu (Anatomie), hóa sinh (Biochemie), sinh lý (Physiologie), sinh học (Biologie), bệnh lý học (Pathologie), tâm lý học (Psychologie), y tế công cộng (Medizinische Soziologie), dược học (Pharmakologie), pháp y (Rechtsmedizin), vi sinh học (Mikrovirologie) và rất nhiều môn nhỏ khác…
Tại Modul tự chọn thì các bạn được học về các kiến thức tổng quát chung về những chuyên ngành mà bạn có hứng thú. Ở kì đầu tiên Modul này có nội dung chung cho tất cả sinh viên với tên gọi là Wissenschaftliche Arbeit, nghĩa là modul sẽ mang đến cho bạn các kĩ năng cần thiết cho việc viết và bảo vệ luận văn, ví dụ: cấu trúc của 1 bài luận, phương pháp thuyết trình, phương pháp đọc các bài nghiên cứu y học, cách trình bày cũng như các kí hiệu đặc biệt trong bài luận,…. Bắt đầu từ kì thứ 2, Modul này sẽ do bạn tự chọn, bạn được chọn (cũng như bắt buộc phải chọn) 3 chuyên ngành yêu thích trong số 14 chuyên ngành được đưa ra và 3 Modul đó bạn sẽ được học lần lượt trong kì 2,3 và 4. Đến kì 5 thì bạn sẽ phải chọn 1 chuyên ngành mà bạn hướng theo và các modul này sẽ nằm trong giai đoạn chuyên sâu của ngành đó.

3.Các loại hình giảng dạy:

Medizin của UKE có tất cả 7 loại hình giảng dạy khác nhau:
· Vorlesung: đây là lớp học có quy mô lớn tại giảng đường chính chung cho tất cả sinh viên của 1 khóa (khoảng 400 người). Các bạn sẽ được học ở trong giảng đường lớn và được dạy bởi những giáo sư tốt nhất của ngành về các kiến thức mà các bạn cần nắm được trong Modul. Lớp học này không bắt buộc các bạn phải tham gia vì vậy tùy từng môn và tùy từng giáo sư, nếu bạn cảm thấy không cần thiết thì có thể không cần đến. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của mình thì các môn chính của Modul như giải phẫu, sinh lí, hóa sinh,… thường được dạy rất cẩn thận và nhiệt tình.
· Seminar: đây là lớp học cho nhóm nhỏ (tầm 20 người- theo lớp mà các bạn được chia đầu năm), nội dung của Seminar cũng chính là nội dung của Vorlesung nhưng theo cách chuyên sâu hơn và mục đích là để sinh viên hiểu rõ kiến thức, giải đáp được thắc mắc còn sót lại trong Vorlesung và có thể tự mình trình bày được vấn đề trước nhóm. Tại lớp học hành hoạt động nhóm và thuyết trình khá thường xuyên.
· Übung und Praktikum: ở 1 số môn như giải phẫu, vi sinh, hóa sinh, sinh lý các bạn sẽ có lớp học thực hành và ôn tập. Ví dụ: môn giải phẫu các bạn sẽ được chia thành nhóm nhỏ 4 người và mỗi nhóm có trách nhiệm mổ 1 xác người theo trình tự của Modul, cuối mỗi Modul xác nào được mổ đẹp nhất (các cấu trúc được thể hiện 1 cách rõ ràng, nguyên vẹn) sẽ được chọn làm mẫu thi (Prüfungsleiche). Hay môn hóa sinh các bạn sẽ được vào phòng thí nghiệm và làm các bài xét nghiệm mẫu máu, mẫu DNA để chẩn đoán các bệnh khác nhau của bệnh nhân….
· Unterricht am Krankenbett (UaK): ở lớp học này các bạn sẽ được học bên giường bệnh mục đích để quan sát những triệu trứng, hiện tượng thực tế nhất của từng bệnh trên cơ thể bệnh nhân cũng như những miêu tả của bệnh nhân (ví dụ: lúc nào trong ngày thường đau nhất, trong điều kiện thời tiết hay ăn uống thế nào thì bệnh tái phát,….)
· POL (Problemorientiertes Lernen): đây là lớp học nhóm nhỏ tầm 8-10 người cùng với 3 Tutor. Vào đầu giờ học này sẽ có 1 bác sĩ phụ trách quản lí đến phát bài tập cho nhóm. Bài tập đấy sẽ là 1 tình huống xảy ra thường ngày và đòi hỏi bạn phải chẩn đoán bệnh, đưa ra biện pháp xử lí và cách chữa trị trong phạm vi kiến thức của mình. Ví dụ 1 trường hợp: bạn đang đi xem phim, bỗng dưng có 1 người đàn ông lớn tuổi kêu lên, ôm ngực và tay trái kêu đau và ngã xuống, lúc này bạn phải làm gì (hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim, gọi cấp cứu,….) sau đó bạn phải chẩn đoán xem bệnh nhân có thể bị bệnh gì (tắc mạch phổi, nhồi máu cơ tim,…) và cho ra các phương pháp xét nghiệm và chữa trị kịp thời,…
· Einführung in die Klinische Medizin (EKM): đây là lớp học 4-6 người với nội dung về các kĩ năng kiểm tra, chẩn đoán (Untersuchung) trong y học, ví dụ: lấy máu, đo huyết áp, kiểm tra hệ vận động cơ thể, kiểm tra da,… Và mẫu để các bạn kiểm tra không ai chính là bạn và các sinh viên cùng lớp 😀 Các bạn sẽ phải kiểm tra cho nhau, cho nên trước mỗi giờ học các bạn phải tìm hiểu kĩ xem hôm nay có những nội dung kiểm tra gì để chuẩn bị quần áo, phụ kiện cho thật tốt, tránh việc không tự tin hoặc lộ…ngoài ý muốn =)))))
· Eigenstudium: tạm dịch là lớp tự học. Trước mỗi kì thi kết thúc modul các bạn sẽ có cơ hội vào phòng mổ để xem lại cấu trúc cơ thể mà mình sắp phải thi hay xem các cấu trúc hiển vi trong môn Histologie,… Đại loại lớp học này khá là cần thiết để bạn có sự chuẩn bị tốt nhất cho kì thi.

4.Cấu trúc các kì thi:

Trước hết mình muốn nói về các kì thi kết thúc modul trong các kì học. Có 12 loại hình thi nhưng mình xin chỉ giới thiệu 3 loại hình thi khá gần với những kì đầu:
· Viết Hausarbeit: đây là bài tập bạn viết ở nhà và đem nộp khi đến hạn. Các bài Hausarbeit thường chiếm 1 phần nhỏ trong điểm số mà bạn đạt được cuối Modul. Ví dụ: ở Modul đầu tiên của kì 1- Modul A1 các bạn được yêu cầu phỏng vấn và viết lại ý kiến về thái độ và cách hành xử của các nhân viên y tế từ 1 bệnh nhân đã hoặc đang có bệnh hiểm nghèo, thường xuyên phải chữa trị trong bệnh viện.
· Thi vấn đáp-mündliche Prüfung: ở loại hình này sinh viên sẽ được hỏi về các khía cạnh li thuyết khác nhau của môn học và tùy theo môn mà cách tổ chức thi cũng khác nhau. Ví dụ: môn giải phẫu ở kì 1 các bạn sẽ thi trên xác (Prüfungsleiche), bạn sẽ được yêu cầu gọi tên của 1 cấu trúc, tìm cấu trúc nào đó, nêu cấu tạo, chức năng,… Hay ở giải phẫu kì 2 (Histologie) học về tế bào và các cấu trúc hiển vi, bạn sẽ thi bên kính hiển vi, sẽ chọn (hên xui) 1 trong 60 mẫu hiển vi có trong bài thi, phải nêu ra đây là gì, chỉ ra các cấu trúc mà giáo sư yêu cầu và trả lời các câu hỏi lí thuyết liên quan….
· Thi thực hành –Praktikumsabschluss: kiểu thi này bạn sẽ thi ở phòng thí nghiệm. Bạn sẽ bốc thăm đề bài cho mình (ví dụ: xét nghiệm máu xác định xem bệnh nhân có bị nhồi máu cơ tim, kiểm tra máu xem bệnh nhân có bị nhiễm trùng,…) và sẽ phải tự tiến hành thí nghiệm 1 mình, có kết quả và đưa ra kết luận. Người chấm thi sẽ dựa vào kết quả và kết luận của bạn mà cho điểm.
· Thi viết- Klausur: hình thức thi viết kết thúc Modul là thi trắc nghiệm, bao gồm phạm vi kiến thức của tất cả các môn trong Modul.
Ngoài các kì thi kết thúc Modul còn có 2 kì thi Staatexam lớn khác, 1 lần là hết kì 3 (Normalfunktion) và 1 lần là hết kì 9. Điều kiện để được tham gia Staatexam lần 1 là:
1. Phải có ít nhất 2 tháng thực tập y tá đến kì 3 hoặc 3 tháng thực tập y tá đến kì 4 (tùy theo thời điểm bạn đăng ký thi) và có chứng thực của Landesprüfungsamt.
2. Có giấy chứng nhận đã tham gia lớp học cấp cứu, có chứng thực của Landesprüfungsamt.
3. Đỗ tất cả các modul từ kì 1 đến kì 3 (đến kì 5 nếu không đỗ tất cả modul của kì 1 đến kì 3 sẽ buộc phải thôi học và không được tiếp tục nhận vào học tại Uni nào của Hamburg).

Kì thi Staatexam lần 1 (Normalfunktion) kéo dài trong 1 tháng gồm 2 phần:

1. Strukturierte Mündlicher Prüfungsteil: các bạn sẽ thi 2 trong 4 môn cơ bản sau: giải phẫu, hóa sinh, sinh lý, tâm lí học (hoặc y tế công cộng). Và việc bạn thi 2 môn nào trong 4 môn sẽ được phân một cách ngẫu nhiên. Phần thi vấn đáp này sẽ không có kiến thức gì khác ngoài các kiến thức các bạn đã học trong 3 kì đầu và cơ chế thi y như thi vấn đáp ở phần thi kết thúc Modul.
2. Strukturierter Mündlich-Praktischer Prüfungsteil: phần thi này kiểm tra các kĩ năng trong Klinik mà các bạn đã được học trong các lớp EKM. Phần thi gồm 5 trạm khác nhau, mỗi trạm sẽ có 1 người chấm thi và 1 đề khác nhau và sinh viên phải đi qua lần lượt từng trạm này. Ví dụ: trạm 1 là tiến hành đo huyết áp, trạm 2 là lấy máu, trạm 3 là kiểm tra bộ phận A,B,C,.. của bệnh nhân. Và trong kì thi này, bệnh nhân mà các bạn kiểm tra sẽ là bệnh nhân thật. Trong quá trình thi không chỉ các kĩ năng tiến hành mà khả năng giao tiếp với bệnh nhân cũng ảnh hưởng đến kết quả của bạn.
Nếu đỗ kì thi lần 1 này, các bạn sẽ được học tiếp lên giai đoạn chuyên sâu của chuyên ngành bạn chọn và sau đó đến kì thi Staatexam thứ 2. Điều kiện dự thi:
1. Đỗ tất cả các modul của giai đoạn chuyên sâu 2. 4 tháng thực tập Famulatur tại ít nhất 3 khoa khác nhau, có chứng thực của Landesprüfungsamt.

Kì thi Staatexam lần 2 này sẽ kiểm tra khả năng khám, chẩn đoán và chữa bệnh của bạn. Bạn sẽ được nhận 3 bệnh nhân với các bệnh khác nhau mà bạn không được biết (bệnh nhân cũng không biết bệnh của mình). Bạn sẽ phải đặt Termin với từng bệnh nhân cho các phần kiểm tra, chẩn đoán và điều trị, đương nhiên trong các buổi hẹn đó sẽ có các bác sĩ giám sát để đưa ra đánh giá cho phần thi của bạn cũng như kịp thời ngăn chặn nếu bạn chữa sai bệnh.

5.Lời nói kết:

Nói chung học y rất vất vả và nghe kể thì cũng thật khủng khiếp nhưng nếu các bạn có hứng thú với ngành y thì cũng đừng ngại ngần mà đi theo, vì cũng chính cái sự vất vả, học nhiều, luyện nhiều, thực tâp nhiều lại mang đến cho bạn rất nhiều niềm vui và bạn sẽ không bao giờ cảm thấy ngành học của mình nhàm chán. Và nếu bạn sợ máu, sợ xác chết,… không biết liệu mình có ngất tại phòng mổ hay không thì đừng lo. Vì mình ngày trước hồi còn ở nhà nấu cơm còn chả dám sờ vào thịt sống, cũng chẳng dám nghĩ là mình sẽ học y mổ xác rồi blah blah, nhưng đến giờ thì mình vẫn đang học, không sợ, không ám ảnh và cũng không bị ngất trong phòng mổ,… 😀
Mong rằng bài viết của mình giúp các bạn được phần nào trong việc định hướng ngành nghề tương lai. Chúc các bạn chọn được ngành nghề phù hợp và thành công trên con đường đã chọn!
Tác giả: Vũ Trần Phương Linh, hiện là sinh viên kì 2 ngành Medizin tại Universität Klinikum Hamburg-Eppendorf.
Nguồn: Hội sinh viên Việt Nam tại Hamburg
Bài viết này nằm trong Hội thảo hướng học, tư vấn chọn ngành chọn trường các trường đại học tại Hamburg của Hội sinh viên Việt Nam tại Hamburg.
Share.

About Author

Ban hỗ trợ sinh viên SIVIDUC - Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức SIVIDUC.ORG

Leave A Reply

Follow us on Facebook